CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa nhận được quyết định 1212/QĐ-CTGLA của Cục thuế tỉnh Gia Lai ký ngày 6/6/2022 về việc xử phạt hành chính cho kỳ thanh tra thuế năm 2019-2020. Theo đó, QCG bị truy thu hơn 1,4 tỷ đồng tiền thuế và bị phạt chậm nộp thuế và phạt hành chính gần 887 triệu đồng.
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai (mẹ ông Nguyễn Quốc Cường) công bố.
Quốc Cường Gia Lai là doanh nghiệp đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2010 nhưng QCG vẫn mang dáng dấp một doanh nghiệp gia đình với tỷ lệ cổ phần của bà Loan và những người liên quan ở mức chi phối.
Quốc Cường Gia Lai liên tục sai phạm và bị nhắc nhở, xử phạt trong cả chục năm qua. Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai của mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) cũng dính đến những vụ tai tiếng liên quan tới sai phạm về lĩnh vực đất đai của một số quan chức TP.HCM cũng như lùm xùm trong dự án bất động sản đắp chiếu kéo dài.
Tính tới cuối 2021, bà Nguyễn Thị Như Loan và người thân trong gia đình nắm giữ khoảng 55% vốn điều lệ công ty.
Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện là Tổng Giám đốc, trong khi ông Lại Thế Hà là chủ tịch HĐQT. Bà Loan và 2 con gái nắm giữ phần lớn cổ phần QCG, trong khi đó, ông Lại Thế Hà và ông Nguyễn Quốc Cường nắm một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể.
Ảnh hưởng lớn của gia đình nhà bà Nguyễn Thị Như Loan khiến nhiều cổ đông/nhà đầu tư lo ngại, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu này biến động bất thường, có nhiều khi tăng 5-7 lần rồi giảm ở mức gần tương tự trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Quốc Cường Gia Lai còn ghi nhận những lần công bố thông tin sai hay chậm hoãn tổ chức đại hội cổ đông.
Hiện, QCG chưa chốt được ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. ĐHCĐ năm trước cũng tổ chức muộn hơn so với bình thường 8-9 tháng. ĐHCĐ năm 2021 được tổ chức vào ngày cuối cùng kết thúc năm tài chính (31/12/2021).
Gần đây, theo NĐT, Quốc Cường Gia Lai bị một số cổ đông đâm đơn kiến nghị kiểm tra, thanh tra thuế để đảm bảo quyền lợi các cổ đông, cũng như đảm bảo việc nộp thuế của doanh nghiệp này được thực hiện đầy đủ.
Cuối 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở QCG trên toàn thị trường do chậm công bố thông tin về loạt giao dịch trị giá 3.200 tỷ đồng. HOSE nhận được giải trình của công ty về những giao dịch bất thường diễn ra từ năm 2013-2017. HOSE cho rằng, việc chậm công bố và công bố thiếu sót thông tin đã gây ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư.
Theo giải trình, từ 2013 đến 2017, QCG đã có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó, có vụ chuyển nhượng 49% cổ phần Công ty Giai Việt cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã năm 2014, với mức giá chuyển nhượng 70 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận khoản lỗ lên tới 258,3 tỷ đồng liên quan tới giao dịch này. Sông Mã là công ty có liên quan đến bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái của bà Nguyễn Thị Như Loan.
Năm 2016, QCG thông qua việc chuyển nhượng 65,2% vốn CTCP Quốc Cường Liên Á cho 3 thể nhân với giá chuyển nhượng 280,2 tỷ đồng, ghi nhận khoản lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Một trong các thể nhân là bà Lại Thị Hoàng Yến - con gái Chủ tịch HĐQT QCG Lại Thế Hà.
Thị trường phân hóa
Theo MBS, thị trường ghi nhận phiên thứ 6 liên tiếp chưa thể bứt phá thành công ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm, thanh khoản thị trường đã được cải thiện và độ rộng thị trường cho thấy áp lực bán trên diện rộng nhưng vẫn chưa làm tổn hại mức tăng ở chỉ số. Điều đó cho thấy thị trường đang có sự phân hóa tích cực, dòng tiền vẫn bị hút vào ở các nhóm cổ phiếu nổi bật như: dầu khí, cảng biển, sản xuất điện, hóa chất, … trong khi bị rút ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản, v.v…
Theo Rồng Việt, thị trường tiếp tục thất bại trong việc chinh phục ngưỡng tâm lý 1.300 điểm của VN-Index. Mặc dù thị trường tăng điểm khá tích cực nhưng nhìn chung dòng tiền tham gia văn kém trong phiên sáng 6/6, thể hiện qua việc thiếu những nhịp tăng mạnh đi kèm khối lượng tích cực. Điều này góp phần đưa tới diễn biến giảm nhanh của thị trường vào cuối phiên. Với nỗ lực ngăn chặn nhịp giảm quanh 1.290 điểm, ở kịch bản trung tính, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co dưới ngưỡng 1.300 điểm trong phiên tiếp theo, nếu lực cung tiếp tục nổi trội hơn và khiến VN-Index đánh mất mốc 1.290 điểm, khả năng VN-Index sẽ cần phải kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm.
Chốt phiên giao dịch chiều 6/6, chỉ số VN-Index tăng 2,03 điểm lên 1.290,01 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 3,66 điểm xuống 306,81 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 93,9 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 20,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,9 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà