Một số loại gạo tầm trung tăng giá khoảng 15%. Trung bình, công ty bán gạo ra thị trường khoảng 5 tấn gạo/ngày, giờ là 7 tấn gạo/ngày - Giám đốc Kinh doanh Công ty lương thực Phương Nam, TP.HCM cho biết.
Nhóm đầu cơ đẩy thông tin giá gạo tăng
"Từ ngày 20/7 đến nay, giá gạo cứ tăng dần", bà Đặng Ngọc Cương, chủ một đại lý gạo tại huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa nói, vừa điều chỉnh con số bảng giá cắm trên bao tải gạo.
20/7 cũng là ngày Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Nhưng, bà thấy rõ, giá nhiều loại gạo đã tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg.
Trước đây, có các loại gạo giá 12.000-12.500-13.000 đồng/kg nhưng bây giờ, gạo rẻ nhất cũng 14.000 đồng/kg. Không có gạo nào dưới 14.000 đồng/kg mà ăn được. Giá lên nhưng khi chủ cửa hàng muốn mua, một số loại gạo cũng không có hàng.
Tại TP.HCM, ngày 1/8, ông Đinh Quang Thành, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam (đại diện Gạo Ông Cua ST25 tại TP.HCM), trực tiếp đi khảo sát giá gạo tại thành phố.
Ông Thành nhận thấy, ở phân khúc giá tầm trung, giá các loại gạo từ 12.000-20.000 đồng/kg tăng khoảng 15%/kg. Ví dụ, loại gạo 15.000 đồng/kg tăng lên khoảng 17.250 đồng/kg.
"Tôi hỏi tại sao tăng giá thì người bán hàng nói tất cả đều tăng. Nhưng tất cả là ai thì không biết. Thậm chí, một số bên đã ngừng cung cấp sản phẩm gạo túi tầm trung ra thị trường. Động thái này xuất hiện từ một tuần nay", ông than phiền.
Về phía công ty, những ngày qua, sản lượng tiêu thụ gạo tại TP.HCM của doanh nghiệp cũng tăng tới 30%. Trước đây, trung bình, công ty bán ra thị trường khoảng 5 tấn gạo/ngày, giờ là 7 tấn gạo/ngày.
Từ hai dữ liệu trên, ông Thành cho rằng, giá gạo tăng và tiêu thụ tăng vì tin đồn và tâm lý chứ không phải do nhu cầu tăng. Nguồn cung gạo cho thị trường tiêu dùng trong nước vẫn rất lớn, nhưng giá gạo lại bị đẩy lên bởi tin đồn.
Trong khi, chưa có một thông báo hay phân tích chính thức nào về việc một số nước cấm xuất khẩu gạo, ảnh hưởng ra sao tới thị trường Việt Nam thì thông tin thị trường thế giới đang đẩy giá gạo trong nước tăng lên.
Cũng theo ông Thành, việc tăng giá gạo diễn ra ở phân khúc tầm trung, còn phân khúc gạo cao cấp như ST25 thì không bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) khẳng định, giá bán gạo ST25 trong nước không tăng, sản lượng gạo cũng rất nhiều.
"Các doanh nghiệp nhỏ, thương lái đang đẩy tin đồn, tạo sốt ảo. Cung vẫn y nguyên, cầu chưa tăng nhưng giá bị đẩy lên. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, dù gạo là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng an ninh lương thực luôn được quan tâm hàng đầu. Cơ quan quản lý Nhà nước chắc chắn đã tính rất kỹ các yếu tố trong bối cảnh hiện nay.
Do đó, người dân cần yên tâm vào nguồn cung tiêu dùng trong nước, tránh để bị sốt ảo giá gạo", đại diện Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam nói với PV. VietNamNet.
Tránh 'bẫy' sốt ảo
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, bà Lý Kim Chi cho biết, dù chưa có dữ liệu tổng hợp chính thức nhưng chắc chắn, biến động giá gạo đang tác động tới các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gạo.
Nỗi lo về an ninh lương thực và sốt ảo có thể đẩy giá gạo tiêu dùng trong nước tăng. Tuy nhiên, Thạc sĩ Phan Minh Hòa, Giảng viên Kinh tế (Đại học RMIT) nhận định, với năng lực sản xuất của Việt Nam hiện nay, tình huống mất cân đối cung - cầu gạo rất khó xảy ra.
Ngày 3/8, Bộ Công Thương đã hoả tốc văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.
Theo Bộ Công Thương, tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang diễn biến tăng giá. Vì vậy, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở công thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Chiều 3/8, thông tin với PV. VietNamNet, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM) cho biết, thành luôn xác định đảm bảo nguồn cung ứng gạo, lưu thông hàng hoá, giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả các hệ thống phân phối.
Thành phố đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện các phương án tạo nguồn, thu mua, dự trữ gạo.
Chỉ riêng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đã cung ứng cho thành phố khoảng 3.311 tấn/tháng. Nguồn cung gạo đầy đủ, đồng thời, đảm bảo thấp hơn 5% giá bán trung bình trên thị trường để phục vụ người dân.
Các doanh nghiệp trên địa bàn luôn chủ động, triển khai kịp thời các giải pháp, nếu có tình huống xảy ra do biến động hoặc sốt giá cục bộ tại TP.HCM.
Nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng đẩy giá gạo xuất khẩu lập đỉnh cao mới, giá gạo trong nước cũng tăng nóng. Lúc này, các lỗ hổng của ngành hàng tỷ USD bộc lộ rõ, nguy cơ đứt gãy chuỗi liên kết.
Cơ quan chức năng tại TP.HCM yêu cầu các địa bàn báo cáo khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hoá gạo, kiểm soát giá gạo bán tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.