Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ngày 15/7, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: Trong số các chính sách phát triển kinh tế xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ông Nguyễn Văn Bình: Tín dụng chính sách xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo. |
Từ kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá: Địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn” và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị thì tại địa phương đó, đạt kết quả rất tích cực; đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện Chỉ thị quan trọng này của Đảng.Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững.
“Đặc biệt, triển khai tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đánh giá: Sau hơn 5 năm thực hiện chỉ thị 40, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, với vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai khá sâu rộng đến các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do ngân sách của địa phương uỷ thác để cho vay và lưu động vốn của xã hội đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị 40. Chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
“Đây là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng được nguồn vốn, nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó giai đoạn 2014, 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn”, ông Trần Quốc Vượng chia sẻ.
Qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị 40 đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Chỉ thị này là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách, các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị. |
“Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Vượng cho rằng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm đã nêu trong Chỉ thị. Tín dụng chính sách xã hội có ngân hàng chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm, hàng tháng của mình. Đồng thời chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng thực hiện thật tốt Chỉ thị 40 là một trong những giải pháp thiết thực hiệu quả để góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội các cấp”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh sự vào cuộc của mặt trận và đoàn thể rất quan trọng.
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Trần Quốc Vượng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
“Cán bộ của ngân hàng chính sách xã hội phải gần dân, sát dân, biết được yêu cầu của dân để chúng ta phục vụ như một đồng chí đã phát biểu ở 1 điểm cầu đã nói phải thấu hiểu dân, tận tâm phục vụ. Ngân hàng Chính sách xã hội phải gần dân, sát dân. Chúng tôi muốn nói với các đồng chí một điều: Các đồng chí tiếp xúc với dân là hình ảnh của Đảng, nhà nước. Nhân dân tin Đảng, tin xã hội chính là tin các đồng chí. Mình làm với một ý nghĩa chính trị như vậy thì mới thấy được thấy thực sự có vai trò. Tôi rất muốn ngân hàng chính sách xã hội phải giáo dục cán bộ thấm nhuần tinh thần này”, ông Trần Quốc Vượng chia sẻ.
H.Duy
Tín dụng chính sách, không phải nước nào cũng làm được như Việt Nam
"Hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc; một giải pháp thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ chúng ta", Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.