Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 20/2, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài để các đơn vị chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân.
Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại trong tháng 1, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, cho hay, chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
“Nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, các nhóm ngành là động lực tăng trưởng còn phục hồi chậm. Thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức”, ông Trần Long nói.
Phó Tổng giám đốc BIDV cũng lo ngại, việc doanh nghiệp đối diện với nhiều rủi ro sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ của ngân hàng bởi giai đoạn 2024-2025, áp lực trả nợ sẽ rất lớn.
Bên cạnh đó, một lý do khác khiến tín dụng tăng trưởng chậm là do một số doanh nghiệp có báo cáo tài chính chồng chéo, hồ sơ không rõ ràng, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đánh giá, xem xét cấp tín dụng.
"Có doanh nghiệp được 4 ngân hàng quốc doanh cấp tín dụng nên các ngân hàng nhỏ coi đây là cơ sở để cho vay, sẵn sàng cho vay mà không cần tài sản thế chấp. Điều này khiến việc quản lý khoản phải thu, tín dụng của các ngân hàng rất khó khăn", ông Long thông tin.
Tại Vietcombank, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hết tháng 1/2024, tín dụng cuối kỳ của nhà băng này đạt 1,24 triệu tỷ đồng, giảm 2,3%.
Theo ông Tùng, nguyên nhân là do tín dụng bán lẻ trong tháng 1/2024 tiếp tục giảm 11.000 tỷ đồng; tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân gặp khó.
Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản cũng giảm do thị trường bất động sản trầm lắng, ít dự án mới được cấp phép trong năm 2023 dẫn đến nguồn cung thiếu, nhiều dự án vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết.
"Yếu tố đặc thù tín dụng của Vietcombank là dư nợ ngắn hạn bán buôn chiếm tỷ trọng 74%, dư nợ cho vay thanh toán quốc tế tập trung vào dịp Tết Dương lịch phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa... Các khách hàng FDI có xu hướng trả nợ cuối năm. Trong khi đó, tâm lý chung là doanh nghiệp, người dân ngại vay nợ vào tháng đầu tiên của năm mới.
Tôi cho rằng, các quý sau, việc giải ngân khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sẽ quay trở lại...", Tổng giám đốc Vietcombank nhận định.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng lãi suất hiện nay không phải là vấn đề của thị trường.
“Thực tế sức mua vẫn rất yếu, lĩnh vực cho vay mua nhà chiếm tỷ lệ lớn trong các ngân hàng cổ phần như chúng tôi. Năm 2023 cho vay trong lĩnh vực này sụt giảm, năm 2024 cũng khó mà tăng được khi các dự án bất động sản vẫn đang bất động”.
Theo đại diện VPBank, cho vay tiêu dùng tại 16 công ty tài chính đều sụt giảm. Nhu cầu thì có, nhưng khả năng để vay và trả nợ là khó. Do vậy, không thể nào chỉ tăng trưởng tín dụng chỉ bằng việc giảm lãi suất.
“Muốn tăng trưởng tín dụng thì phải giảm lãi suất hoặc nới điều kiện cho vay. Nhìn vào các hộ kinh doanh có thể thấy mấy năm nay đều kiệt quệ. Đi ra ngoài đường, cửa hàng đóng rất nhiều. Ngày xưa họ là khách hàng nhưng giờ cũng chẳng có tiền, và cũng chẳng ai dám cho vay nữa, cho vay rồi đâu có trả. Rõ ràng chúng ta đang phải đối phó với rủi ro gia tăng”, ông Vinh nói.
Tổng Giám đốc VPBank kiến nghị các giải pháp để khơi thông tín dụng như: Đề nghị NHNN gia hạn Thông tư 02 nhiều nhất 12 tháng, cộng thêm các điều kiện hợp lý để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Vinh đề nghị NHNN tiếp tục là đầu mối làm việc với các cơ quan hỗ trợ đưa các quy định về thu hồi nợ.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định quan điểm chỉ đạo của NHNN là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để doanh nghiệp sớm hồi phục, hỗ trợ nền kinh tế. Việc này cũng là giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng, nhưng việc cho vay phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, đúng đối tượng và phải kiểm soát được rủi ro.
Phó Thống đốc cho hay, năm 2024, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để tín dụng đi đúng, trúng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế, hướng đến các doanh nghiệp khó khăn nhưng có khả năng phục hồi.