Hàng chục nghìn hộ dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa Gia Lai đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay tín dụng ưu đãi.
Là một hộ nghèo, anh Đinh Văn Bói (làng Ơr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện, mua 2 con bò chăn nuôi. Với số tiền lãi từ các lứa bò, anh mua thêm đất trồng cây. Sau 3 năm vay vốn, anh Bói đã trả hết nợ và có vốn làm ăn, phát triển sản xuất, đời sống gia đình được cải thiện rõ rệt, thu nhập 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh còn học thêm nghề phụ xây, giúp đỡ người dân trong làng xây dựng, sửa chữa, nhà cửa, tạo việc làm cho nhiều thanh niên.
Ở làng Tờ Pé 1, xã Chư Long, huyện Kông Chro, anh H’Nhưih là một điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện. Từ một hộ nghèo, sau 3 lần vay vốn, giờ anh có 13 con bò, 6 ha đất trồng lúa, ngô, một máy cày trị giá 60 triệu đồng…
Tại miền núi Gia Lai, chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp bà con dân tộc thiểu số tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua 15 năm đi vào hoạt động với 13 chương trình tín dụng khác nhau như: Cho vay hộ nghèo, đối tượng, chính sách; cho vay giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… đến nay, Ngân hàng CSXH Gia Lai đã có doanh số cho vay đạt hơn 8.199 tỷ đồng. Riêng về cho vay hộ nghèo đạt 3.543 tỷ đồng, với 261.458 lượt hộ vay, trong đó có 36.313 hộ DTTS với số tiền vay 849,4 tỷ đồng.
Hiện, Gia Lai đã xây dựng được hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn, làng. Nguồn vốn này đã giúp cho hơn 100.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai thoát khỏi đói nghèo, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Được biết, để tạo điều kiện cho hộ vay tiết kiệm chi phí đi lại, ngoài mạng lưới cộng tác viên và đội ngũ cán bộ tín dụng trải khắp 222 xã, phường, thị trấn, hằng tháng ngân hàng CSXH còn phối hợp các hội, tổ chức đoàn thể chính trị xây dựng kênh dẫn vốn cho vay, thu nợ, thu lãi và giao dịch tại 192 điểm đặt tại UBND các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn.
Chính sách tín dụng ưu đãi không những giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi kỹ thuật canh tác mà còn hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su.
Theo chính sách mới, hiện nay hộ nghèo được nâng mức vốn vay tối đa lên 50 triệu đồng, lãi suất giảm một nửa, thời hạn vay tăng gấp đôi. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con dân tộc thiểu số tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Gia Lai có 34 dân tộc đang sinh sống, chiếm hơn 44% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 16,5%, trong đó đồng bào DTTS chiếm 85,8%. |
M.M - Bích Thủy (tổng hợp)