“Quan điểm của Tổng thống Mỹ là các nền tảng chính phải có trách nhiệm liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của tất cả người dân Mỹ trong việc dừng lan tỏa nội dung không đáng tin cậy, thông tin sai lệch và thông tin không đúng sự thật, đặc biệt là liên quan đến Covid-19, vắc-xin và bầu cử”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói với báo giới hôm thứ tư tuần này.
Tuyên bố của Nhà Trắng đến ngay sau khi Facebook giữ nguyên lệnh cấm cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Nhà Trắng cũng từ chối bình luận liên quan đến quyết định của Hội đồng giám sát Facebook.
Sau vụ bạo loạn Đồi Capitol diễn ra hồi tháng 1, Facebook và Twitter đã cấm ông Trump do nguy cơ bạo lực mà ông gây ra quá lớn. Tuy nhiên, hành động này được xem là quá chậm chạp dù Facebook đã có cơ chế xác thực tin tức (fact-checking).
Sự chậm chạp của Facebook bắt nguồn từ một thực tế là mạng xã hội này sống nhờ thuật toán lan truyền (viral) nội dung. Càng nhiều người xem nội dung đó, nó càng tiếp cận (reach) càng nhiều người, từ đó tạo ra doanh thu quảng cáo khổng lồ 84,1 tỷ USD cho Facebook trong năm qua (tăng 21% so với năm 2019).
Tin giả đang lây lan nhanh hơn
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng Science năm 2018 chỉ ra rằng tin giả lây lan nhanh gấp 6 lần so với tin thật trên Twitter.
Năm 2020, một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Nature tiếp tục chỉ ra Facebook là nơi lây lan tin giả nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào, từ Twitter, Google đến Yahoo Mail, Gmail…
Như vậy, tin giả đang lây lan với một tốc độ khủng khiếp, song hành với tốc độ tăng trưởng doanh thu của Facebook.
Những buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vẫn không thể làm khó được ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg.
Mỹ đang cố gắng kiểm soát sự tăng trưởng kéo theo cơn bão tin giả này. CEO của ba hãng công nghệ lớn là Twitter, Facebook và Google tiếp tục một có phiên điều trần trực tuyến kéo dài 5 tiếng trước Hạ viện Mỹ vào tháng 3 năm nay.
Nội dung buổi điều trần vẫn xoay quanh những vấn đề nóng trên mạng xã hội như thù hận sắc tộc, trào lưu anti vắc-xin, vai trò của các mạng xã hội trong vụ bạo loạn trên Đồi Capitol…
Dù vậy, buổi điều trần mang tính hỏi xoáy đáp xoay này không đem đến nhiều kết quả tích cực khi các CEO đều né tránh những câu hỏi mang tính trực diện như có hay không vai trò của các mạng xã hội trong việc phát tán tin giả ở vụ bạo loạn trên Đồi Capitol.
Trước đấy, tổ chức phi lợi nhuận Avaaz đã đưa ra thông tin gây sốc là có tới 10,1 tỷ lượt xem tin giả về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, được hơn 100 website chia sẻ tin giả tạo ra. Theo Avaaz, nếu Facebook chịu hành động sớm hơn bằng cách thay đổi thuật toán, nền tảng này đã góp phần hạn chế đáng kể nội dung độc hại dẫn đến vụ bạo loạn trên Đồi Capitol.
Cũng theo tổ chức này, Facebook khá thờ ơ với các tin giả liên quan Covid-19 ở ngoài nước Mỹ. Thống kê từ 07/12/2020 đến 07/02/2021, 56% tin giả ở khu vực châu Âu không nói tiếng Anh đã không được xử lý bởi Facebook và con số này ở khu vực châu Âu nói tiếng Anh là 23%.
Để xử lý tin giả ở khu vực châu Âu không nói tiếng Anh, Facebook mất 30 ngày và con số này là 24 ngày ở khu vực châu Âu nói tiếng Anh. Tình hình còn tệ hơn ở các nước khu vực châu Phi với thời gian kéo dài cả trăm ngày.
Các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tin giả mùa Covid-19 lây lan trên nền tảng với 2,8 tỷ người dùng này là Ý và Tây Ban Nha. Vì thế, Avaaz đang hối thúc Ủy ban châu Âu hành động quyết liệt hơn để xử lý vấn nạn tin giả tại lục địa già.
Facebook vẫn rất chậm chạp trong việc xử lý tin tức không đáng tin cậy ở các nước ngoài Mỹ.
Nhưng thứ duy nhất có thể ngăn cản các mạng xã hội lúc này là Điều 230 của Đạo luật chuẩn mực truyền thông, vốn được xem là cái khiên pháp lý bảo vệ các công ty Internet. Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đòi bãi bỏ điều luật này và giờ đây cờ đã đến tay ông Joe Biden.
Hồi tháng 01/2020, trong quá trình tranh cử, ứng viên Joe Biden đã từng đề cập đến việc thu hồi lại điều luật này. Nhưng hiện tại, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ đang ưu tiên cho các biện pháp phục hồi kinh tế và ứng phó đại dịch Covid-19, hơn là sửa luật vốn tốn nhiều thời gian và dễ vấp phải nhiều trở ngại từ những cuộc vận động hành lang của nhóm Big Tech.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden, Facebook đã có những hành động chậm chạp nhằm ngăn chặn người dùng lan truyền tin giả về Covid-19. Kể từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra, Facebook với đội ngũ 35.000 người kiểm duyệt và hệ thống AI mới chỉ xóa bỏ khoảng 12 triệu nội dung tin giả về Covid-19 và vắc-xin.
Điều này cho thấy quyền lực của Facebook và mối quan tâm chính của nền tảng này vẫn chỉ là doanh thu và lợi nhuận.
Mạng xã hội địa phương sẽ lên ngôi?
Trước ảnh hưởng cuộc chơi do Facebook áp đặt cho toàn cầu, bắt đầu xuất hiện một xu hướng mới là mạng xã hội địa phương. Mạng xã hội địa phương sẽ phát triển dựa trên phân chia quyền lợi cân bằng, yếu tố văn hóa địa phương phù hợp. Trong khi Facebook tương đối tự do, các mạng xã hội mới có thể xây dựng theo hướng phát triển nhiều bộ lọc. Các bộ lọc này sẽ may đo theo nhu cầu của từng quốc gia.
Có thể nhận thấy một số xu hướng hình thành nên các mạng xã hội của tương lai. Đó là sự xuất hiện mạng xã hội tập trung (theo hướng blockchain), mạng xã hội quy mô nhỏ (trả phí), mạng xã hội âm thanh, mạng xã hội hướng tới người dùng bản địa hoặc các tổ chức, doanh nghiệp,...
Nhìn chung, các mạng xã hội mới sẽ không thể thành công khi bắt chước Facebook. Họ phải tìm được một mẫu số chung, đó là những nhu cầu cơ bản của con người, bất kể quốc gia, tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp.
Các mạng xã hội mới cũng nên để cho người chơi tự quyết định “luật chơi” của mình. Điều này được thực hiện bằng cách mở thuật toán.
Cho đến thời điểm này, tại một số quốc gia thì mạng xã hội địa phương đã ngang bằng, thậm chí vượt qua cả Facebook như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Trước xu hướng này, nhiều người cũng đặt câu hỏi phải chăng thời thống trị của Facebook sắp qua?
Phương Nguyễn
Tổng thống Mỹ kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội chống tin giả
Quan điểm của Tổng thống Joe Biden là các nền tảng lớn cần chấm dứt khuếch đại các nội dung không đáng tin cậy, thông tin giả, sai lệch, đặc biệt liên quan đến dịch COVID-19, tiêm chủng và bầu cử.