Vàng, chứng khoán tăng vọt
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 5 phiên liên tiếp, nâng tổng mức tăng từ đầu tuần lên 4,1%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và tầm rộng S&P 500 tăng khá mạnh.
Giá vàng cũng tăng cao, lên gần ngưỡng 1.900 USD/ounce, so với mức 1.808 USD ghi nhận hôm 29/12/2022.
Nhiều thị trường tài chính và hàng hóa tăng ấn tượng trong bối cảnh đồng USD giảm 0,8% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6/2022, khiến hầu hết các loại tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn.
Chuyên gia của Standard Chartered cho biết, lợi suất thực của Mỹ giảm và một đồng USD suy yếu nhanh chóng là yếu tố hỗ trợ cho các loại tài sản, trong đó có vàng.
Đồng USD giảm ngay sau khi Mỹ công bố lạm phát Mỹ hạ nhiệt đúng như dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,1% so với tháng liền trước. Tháng 12 cũng là tháng ghi nhận CPI giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19.
So với cùng kỳ, CPI Mỹ tăng 6,5%, thấp hơn mức 7,1% ghi nhận trong tháng trước đó và đã rất xa so với đỉnh 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022. Con số này trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Dow Jones.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Với việc lạm phát hạ nhiệt khá nhanh, nhiều dự báo cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh việc nới dần các chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhiều khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 2/2023, trước khi tạm dừng và sau đó hạ lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Trong năm 2022, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất, với tổng cộng 425 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 15 năm: 4,25-4,5%.
Như vậy, trong năm 2023, theo tín hiệu từ Fed, cơ quan này sẽ có tối đa 2 lần tăng lãi suất và có thể tối đa là 50 điểm, nâng mức lãi suất đỉnh ở 5%/năm. Với diễn biến lạm phát như hiện tại, nhiều khả năng mức đỉnh có thể thấp hơn 5%. Mỹ sẽ dừng tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế gần đây có nhiều tín hiệu kém tích cực, trong khi bóng ma lạm phát đã không còn lớn.
Trên CNBC, bà Susan Collins, chủ tịch Fed Boston cho hay bà nghiêng về mức tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn, ở mức 25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 2 tới. Nhiều tổ chức kỳ vọng Fed sẽ nới dần chính sách tiền tệ trong quý II, đặc biệt có thể đảo chiều vào cuối năm 2023.
USD giảm mạnh, thế giới bớt căng thẳng
Một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn sẽ giúp dòng tiền ra thị trường, qua đó kích thích nền kinh tế số 1 thế giới cũng như đẩy một luồng gió tươi mát vào thị trường tài chính thế giới, vốn rất khô cạn trong cả năm vừa qua.
Các thành viên Fed đánh giá số liệu CPI đang đi đúng dự báo và họ tin rằng, lạm phát Mỹ sẽ sớm trở về ngưỡng mục tiêu 2%.
Tại Việt Nam, đồng USD hạ nhiệt trong vài tháng qua đã giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực hiện các mục tiêu của mình.
Sau khi dùng một lượng lớn dự trữ ngoại hối, bán đồng USD ra để hỗ trợ sức mạnh cho đồng VND, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã niêm yết trở lại giá mua vào đồng USD tại hội sở NHNN từ ngày 16/12 (với giá 23.450 đồng/USD).
NHNN cũng có tín hiệu mua vào đồng USD trong bối cảnh đồng tiền này tương đối dồi dào dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI giải ngân trong năm 2022 tăng (đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%); thặng dư thương mại lớn và dòng kiều đổ về nhiều.
Theo Chứng khoán VNDirect, dự trữ ngoại hối Việt Nam có thể tăng lên 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, từ mức 90 tỷ USD hiện tại. Trước đó, dự trữ ngoại hối Việt Nam vào đầu 2022 được Maybank ước tính ở mức gần 110 tỷ USD.
Áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp NHNN có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Đây cũng là tin tốt cho thị trường chứng khoán.
Trong năm 2022, NHNN gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng ba mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Sáng 13/1, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng xuống 23.602 đồng/USD, thấp hơn nhiều so với mức 23.703 đồng/USD hôm 25/10/2022. Với biên độ +/-5% như hiện tại, USD được phép mua bán ở mức 22.422 đồng và 24.782 đồng/USD.
Đồng USD tại Vietcombank xuống ngưỡng 23.600 đồng/cp, thấp hơn khoảng 5,1% so với đỉnh 24.888 đồng/USD hôm 25/10.
Trước đó, hồi tháng 10 và tháng 11/2022, đồng USD tăng giá dữ dội khiến nhiều đồng tiền chủ chốt, trong đó có euro, bảng Anh, yen Nhật,... giảm 20-25%. Một số đồng tiền khác trên thế giới giảm 40-60%. Cú tăng sốc của đồng USD khiến thị trường tài chính nhiều quốc gia chao đảo.
Gần đây, NHNN đã có những chính sách nới lỏng tỷ giá và bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có cú nới chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5-2% trong tháng 12/2022, qua đó tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.