Nhiều bệnh nhân ung thư từ chối cơ hội phẫu thuật, hóa xạ trị để theo các bài thuốc lá hoặc phương pháp truyền miệng. Khi quay trở lại với bác sĩ, ung thư đã ở giai đoạn muộn.
Thông tin trên được bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ với báo chí tại Hội nghị khoa học kỹ thuật 2023 diễn ra ngày 12/5.
Theo bác sĩ Thịnh, mạng xã hội có rất nhiều thông tin về bệnh ung thư. Bên cạnh các kiến thức hữu ích cho người bệnh từ cơ quan y tế, cũng có thông tin truyền miệng về các phương pháp điều trị không chính thống.
Bác sĩ Thịnh dẫn chứng lời khuyên "bệnh nhân ung thư hóa xạ trị rồi cũng chết" là hoàn toàn không đúng. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Nếu ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi rất cao. Ví dụ, người bệnh ung thư vú hay ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 1, giai đoạn 2 có tỷ lệ sống trên 5 năm từ 85-90% nếu điều trị đúng và kịp thời.
Trong trường hợp bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, không điều trị đặc hiệu được nữa, bác sĩ sẽ đồng hành cùng bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời bằng chăm sóc giảm nhẹ. Các phương pháp dân gian truyền miệng như uống lá đu đủ, thuốc gia truyền... hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có ích gì cho người bệnh.
"Rất nhiều bệnh nhân ung thư không điều trị ngay, nghe theo lời hướng dẫn trên mạng dùng lá này thuốc kia và không hiệu quả. Đến khi quay lại viện, bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, khó kiểm soát. Chính vì vậy, người bệnh cần phải tin tưởng và nghe theo lời khuyên từ các bác sĩ, các bệnh viện có chuyên môn, có năng lực", bác sĩ Thịnh bày tỏ.
Tượng tự, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho hay cơ hội vàng để cứu sống bệnh nhân ung thư là ngay khi phát hiện bệnh và điều trị đúng quy cách. Người bệnh có thể được phẫu thuật triệt căn hoặc kết hợp các phương pháp hóa, xạ trị.
Theo bác sĩ Tiến, hiện nay, điều trị ung thư đã có những bước tiến đáng kể. Với ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, các bác sĩ sẽ phẫu thuật bảo tồn cho người bệnh. Bệnh nhân được cắt cổ tử cung, nối tử cung vào âm đạo, giữ được buồng tử cung và buồng trứng. Trong số 20 ca được phẫu thuật bảo tồn, một bệnh nhân đã có thai và sinh con thành công.
Đó là một phụ nữ 37 tuổi, bị ung thư cổ tử cung xâm lấn giai đoạn IA1. Sau phẫu thuật 6 tháng, bệnh nhân mang thai. Bé trai sinh ra khỏe mạnh, cân nặng 2,1kg. Đến nay, bệnh nhân chưa ghi nhận tái phát và bé trai phát triển bình thường.
Hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Ung bướu 2023
Ngày 12/5, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM diễn ra Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023 với sự góp mặt của các chuyên gia từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ... và quốc tế.
Nội dung hội thảo bao gồm các phiên toàn thể, phiên chuyên đề về ung thư tổng quát, nội khoa và phẫu thuật, cung cấp những kiến thức y học tiến bộ và kinh nghiệm thực tiễn về nhiều lĩnh vực chuyên ngành ung thư.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được xây dựng với quy mô 1.000 giường và mức đầu tư 5.800 tỷ đồng, khánh thành một phần vào tháng 10/2020 sau nhiều lần trì hoãn. Bệnh viện được khánh thành chính thức vào tháng 4/2023.
Bệnh nhân có dấu hiệu ngạt mũi, đau nhức vùng mặt trái, được điều trị viêm xoang nhưng không khỏi. Sáu tháng sau, khi đến Bệnh viện K, bác sĩ chẩn đoán đây là biểu hiện của bệnh ung thư.
Ung thư đại tràng hay bị nhầm với các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thông thường nên người mắc dễ chủ quan khi xuất hiện các cảnh báo sớm dẫn tới bệnh nặng mới tới viện khám.