Tin nhắn rác đang quay trở lại
Thời gian gần đây, nhiều người dùng di động tại Việt Nam liên tục phản ánh tình trạng thường xuyên nhận được các tin nhắn rác với nội dung phản cảm.
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Đức Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, các tin nhắn rác viễn thông giờ đây không còn nữa, nhưng anh thường xuyên nhận được những tin nhắn rác thông qua tính năng iMessage trên điện thoại iPhone.
“Những tin nhắn iMessage mà tôi nhận được có nội dung khác nhau, nhiều nhất là giới thiệu các nhà cái cá độ thể thao, game bài, xổ số”, anh Dương nói.
Không chỉ có trên iMessage, tin nhắn rác còn xuất hiện trên nhiều ứng dụng nhắn tin OTT khác như Zalo, Viber và cả một số ứng dụng TMĐT mà trong đó có chức năng gửi tin nhắn.
Theo chị Hà Vân (Cầu Giấy, Hà Nội): “Trước kia tôi chỉ nhận được tin nhắn quảng cáo trên iMess, thế nhưng giờ đây ngay cả khi dùng ứng dụng nhắn tin được cho là có độ bảo mật cao như Viber, tôi cũng nhận được tin nhắn rác”.
Kể từ khi Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) vào cuộc mạnh mẽ, tình hình tin nhắn rác viễn thông đã giảm đi đáng kể. Tuy vậy, các đối tượng giờ đây đang dần chuyển hướng sang một phương thức hoạt động tinh vi hơn, đó là nhắn tin quảng cáo thông qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
Ghi nhận của PV VietNamNet cho thấy, ngoài những tin nhắn rác quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thông thường, nhiều tin nhắn rác OTT hiện nay chứa cả những nội dung quảng cáo không được pháp luật cho phép, liên quan đến cờ bạc trực tuyến và các tin nhắn lừa đảo.
Cuộc chiến tin nhắn rác OTT: Sẽ không dễ dàng
Nhiều người nhầm lẫn các tin nhắn iMessage với tin nhắn từ dịch vụ của các nhà mạng viễn thông, tuy nhiên hai loại tin nhắn này hoàn toàn khác biệt.
Đây thực chất là những tin nhắn dưới dạng OTT. Chỉ cần có tài khoản Apple ID và một chiếc iPhone, iPad, bất kỳ ai cũng có thể nhắn những tin nhắn này tới địa chỉ Apple ID của những người dùng khác.
Các đối tượng nhắn tin rác thường sử dụng thủ thuật để lần mò Apple ID của người dùng một cách ngẫu nhiên theo tên tuổi thông qua thuật toán. Khi gửi một tập tin nhắn với số lượng lớn, sẽ có những địa chỉ trùng với Apple ID của người dùng.
Khi VietNamNet trao đổi vấn đề này với đại diện một nhà mạng, người này cho biết, về mặt kỹ thuật, phía nhà mạng không tác động được đối với các tin nhắn rác OTT.
“Đối với nhà mạng, các tin nhắn OTT chỉ là một gói dữ liệu. Do đó không thể biết cụ thể nội dung trong đó là gì để có thể chặn lọc”, đại diện một nhà mạng chia sẻ.
Theo người này, để chặn tin nhắn rác OTT không phải là không có cách. Cách tốt nhất là người dùng có thể tự mình report (báo cáo - PV) với các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin OTT mỗi khi nhận được tin nhắn rác để họ có biện pháp chặn tài khoản phát tán.
Thông tin phản hồi từ người dùng chính là dữ liệu quan trọng nhất để phía đơn vị cung cấp dịch vụ có thể tìm ra chính xác nguồn phát tán tin nhắn rác và xử lý. Điều này cũng tương tự như cách mà các nhà mạng hiện nay đang làm nhằm tìm chính xác nguồn phát tán tin nhắn rác viễn thông.
Thực tế cho thấy, các tính năng báo cáo tin nhắn rác trên ứng dụng OTT đã có từ lâu, nhưng không phải người dùng nào cũng biết sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sau khi người dùng báo cáo, kẻ phát tán lại thay đổi sang một tài khoản khác nhằm thoát khỏi việc chặn lọc.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện một mạng viễn thông tại Việt Nam cho biết, để cuộc chiến với tin nhắn rác OTT có hiệu quả, cần nhất là sự tham gia vào cuộc của chính các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin OTT. Đây mới là những đơn vị có khả năng can thiệp về mặt lý thuyết để xử lý các tin nhắn rác trên nền tảng của họ.
Trọng Đạt