Phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban vũ trang của Thượng viện Mỹ ngày 10/5, Avril Haines, Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ tuyên bố, cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhiều khả năng sẽ trở nên "khó dự đoán hơn và leo thang hơn" vì "sự không trùng khớp" giữa các tham vọng của Tổng thống Putin và khả năng quân sự của Nga.
Theo bà Haines, mặc dù các lực lượng Nga đã tái tập trung vào khu vực miền đông Donbass sau khi không chiếm được thủ đô Kiev trong vài tuần đầu tiên của chiến dịch tấn công quân sự vào nước láng giềng, nhưng các cơ quan tình báo Mỹ coi đây "chỉ là một sự thay đổi tạm thời". Họ nhận định, Moscow đang tìm cách thiết lập quyền kiểm soát khu vực bờ biển phía nam Ukraine, từ Donbass ở phía đông đến tiểu vùng ly khai Transnistria thuộc Moldova ở phía tây.
Hãng thông tấn Axios dẫn lời bà Haines nói thêm, tình báo Mỹ đánh giá chính quyền ông Putin "có ít nhất 4 mục tiêu quân sự ngắn hạn". Trước hết là giành toàn quyền kiểm soát và thiết lập một “vùng đệm” ở Donbass, nơi các lực lượng ly khai Kiev đã tuyên bố thành lập hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng.
Thứ hai là bao vây quân đội Ukraine ở phía tây Donbass "nhằm nghiền nát các lực lượng tinh nhuệ và trang bị tốt nhất của Ukraine" để giữ vững đường giới tuyến tại khu vực miền đông.
Mục tiêu thứ ba là củng cố kiểm soát cầu nối đường bộ do Nga thiết lập từ Donbass dọc theo bờ biển phía đông của Ukraine tới Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, để cho phép các lực lượng Moscow chiếm giữ vùng Kherson và các nguồn cung nước ngọt cho Crưm.
Cuối cùng, lãnh đạo tình báo Mỹ khẳng định có "các dấu hiệu" ám chỉ Nga muốn mở rộng cầu nối đường bộ xa hơn về phía tây, nhằm thâu tóm thành phố cảng Odessa và kết nối với khu vực Transnistria, cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận đường biển của Ukraine. Đạt được mục tiêu này sẽ là thắng lợi chiến lược đối với Nga.
"Ông Putin rất có thể cũng đánh giá rằng Nga có khả năng và sự sẵn sàng chịu đựng thách thức lớn hơn các đối thủ của mình. Ông ta có thể đang trông đợi vào việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy yếu quyết tâm khi tình trạng thiếu lương thực, lạm phát và giá năng lượng trở nên tồi tệ hơn", bà Haines bày tỏ.
Mỹ và các đồng minh EU đã cung cấp các gói viện trợ quân sự trị giá tổng cộng hàng tỷ USD nhằm giúp Kiev chống lại các lực lượng Nga, đồng thời áp đặt những biện pháp trừng phạt hà khắc nhất nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của xứ sở bạch dương.
Bà Haines cho rằng, chính quyền ông Putin nhiều khả năng sẽ tìm cách ngăn chặn các chuyến hàng vũ khí viện trợ từ Mỹ đến Ukraine trong những tuần tới. Theo bà, giới chức Nga sẽ tiếp tục sử dụng "các phát biểu về hạt nhân" để ngăn cản phương Tây chuyển giao thêm khí tài cho Ukraine, nhưng ông Putin "có thể sẽ chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nhận thấy mối đe dọa hiện hữu đối với nhà nước hoặc chế độ Nga".
"Cả Nga và Ukraine đều tin họ có thể tiếp tục đạt được tiến bộ về mặt quân sự. Chúng tôi không thấy một con đường đàm phán khả thi nào phía trước, ít nhất là trong ngắn hạn. Chúng tôi đang ủng hộ Ukraine, nhưng chúng tôi không muốn kết thúc bằng Thế chiến ba và cũng không muốn chứng kiến tình huống mà các bên sử dụng vũ khí hạt nhân", bà Haines lưu ý.
Tuấn Anh