Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028, đã diễn ra ngày 12/7 tại Hà Nội.
Nhiều tham luận gửi tới đại hội kỳ vọng Ban chấp hành mới tiếp tục đưa ngành Xuất bản thay đổi, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.
Hiện đại hóa - nhu cầu bức thiết của xuất bản
GS.TS. Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng đã đến lúc ngành Xuất bản phải tập trung tư duy, kinh nghiệm để nghiên cứu nội hàm của ba yêu cầu “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Theo ông, ngành Xuất bản giậm chân tại chỗ, trong sự vận động và phát triển nhanh, mạnh của xuất bản thế giới là đồng nghĩa với sự tụt hậu.
“Hiện đại hóa không chỉ dừng lại ở công nghệ, kỹ thuật. Nền tảng của nó không chỉ ở đó, mà đối với xuất bản hiện nay là cả một quy trình khép kín: hiện đại hóa con người, hiện đại hóa quy trình xuất bản, phát triển vững chắc, hiệu quả cả về mặt văn hóa và kinh tế”, ông Dũng chia sẻ.
Phát triển văn hoá đọc - động lực cho xuất bản phát triển
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, vấn đề nâng cao sức đọc, phát triển văn hoá đọc trên cơ sở tác động hình thành thói quen đọc sách của cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Ông Lê Hoàng đề nghị: Thành lập một Ủy ban quốc gia phát triển văn hoá đọc Việt Nam; trong Luật Xuất bản sửa đổi và bổ sung sắp tới cần thêm Điều khoản về phát triển văn hoá đọc; ngành Xuất bản cần hợp tác với ngành Giáo dục để xây dựng danh mục tài liệu (xuất bản phẩm) theo chủ đề, môn học, lớp học để làm giải pháp nền tảng phục vụ cho đổi mới dạy và học; ngành Văn hoá bổ sung tiêu chí xây dựng tủ sách trong gia đình vào tiêu chí chung của Xây dựng gia đình văn hoá.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books cho rằng, lan tỏa văn hóa đọc là công cuộc lớn của quốc gia. Cần phát triển từ bên trong mỗi gia đình để tạo nên những gốc rễ cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển tương lai của đất nước.
Để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình, theo bà Thoa cần giải quyết 3 vấn đề:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của việc đọc sách cho con và dạy con đọc sách từ sớm.
Thứ hai, tạo ra một chương trình lớn mang tầm quốc gia phát động mỗi nhà một tủ sách, mỗi doanh nghiệp một tủ sách, để sách luôn hiện hữu trong cuộc sống.
Thứ ba, các cơ quan, doanh nghiệp, các hội, đoàn thể... cần có hoạt động đầu tư, ưu tiên cho việc đọc, truyền bá, lan tỏa đến từng cán bộ để văn hóa đọc thật sự thẩm thấu vào bên trong mỗi người.
Cần những hành động thiết thực để bảo vệ sách thật
Ông Nguyễn Văn Phước, CEO First News - Trí Việt nhận định, ngành thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến, trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. Điều này khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp tận dụng các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy bán hàng.
Tuy nhiên, sự thay đổi cũng tạo ra những kẽ hở khiến cho tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn lan trên thị trường, với những thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, phức tạp cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Chính vì vậy, người đứng đầu First News đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy lùi vấn nạn sách giả:
Hội Xuất bản Việt Nam cần tăng cường công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy thương mại điện tử bằng cách phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử và kinh tế số.
Phát động nhiều chiến dịch truyền thông hơn nữa để thay đổi tư duy, từng bước đổi mới, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của sách giả, cũng như nói “không” với những ấn phẩm phái sinh vi phạm tác quyền.
Hội cũng như các cơ quan ban ngành liên quan có thể liên kết với các đơn vị xuất bản để cập nhật thông tin về sách giả trên các trang chính thống, giúp người tiêu dùng chủ động trang bị kiến thức, nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Phước mong sớm bổ sung luật để đổi tội danh “làm sách lậu” thành “làm hàng giả” mới có sức răn đe với người vi phạm.