Phát biểu trên truyền hình quốc gia Ukraine ngày 13/11, Thị trưởng Roman Holovnia thông tin: “Thành phố đang thiếu thốn nghiêm trọng, chủ yếu là nước. Hiện không có đủ thuốc men, không có đủ bánh mì vì không có điện để nướng chúng”.
Theo Reuters, trước đó, trong thông điệp tối 12/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc quân Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu của Kherson, bao gồm cả các nguồn cung cấp điện, nước, sưởi ấm và mạng lưới thông tin liên lạc trước khi rút khỏi thành phố.
Moscow chưa lên tiếng phản hồi trước các phát biểu của giới chức Ukraine.
Ukraine lập đội tàu hải quân không người lái đầu tiên thế giới
Báo Eurasian Times đưa tin, Tổng thống Zelensky đã xúc tiến dự án UNITED24 nhằm gây quỹ để mua sắm các trang thiết bị khác nhau cho quân đội và người dân Ukraine. Trong đó, Chính phủ Ukraine đang hy vọng sẽ quyên góp đủ tiền để mua các tàu mặt nước không người lái (USV) nhằm đối phó với lực lượng hải quân Nga ở Biển Đen.
Kiev tiết lộ đã mất 80% hạm đội tàu sau khi bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014. Các quan chức Ukraine thống kê, Nga đã bắn gần 4.500 tên lửa vào nước này kể từ chiến sự, với 20% số đó được phóng đi từ biển.
Kiev đã cho đăng tải các bức ảnh và một video về USV trên trang web gây quỹ cộng đồng UNITED24.
“Ukraine đang thành lập đội tàu hải quân không người lái đầu tiên trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi đang phát động đợt quyên góp gây quỹ lớn nhất của mình. Nó sẽ bảo vệ vùng biển Ukraine, ngăn các thành phố bị tên lửa tấn công và giúp dỡ bỏ phong tỏa các hành lang cho các tàu dân sự vận chuyển ngũ cốc”, trích thông điệp của Kiev trên trang Twitter của dự án UNITED24.
Theo giới chức Ukraine, mỗi chiếc USV dài 5,5 mét, nặng gần một tấn, có tải trọng chiến đấu tối đa 200kg. Tàu có tầm hoạt động 800km, bán kính chiến đấu 400km, đạt vận tốc tối đa 80 km/h và có thể vận hành tự động liên tục tới 60 giờ.
Nga công kích phương Tây
Phát biểu tại một cuộc họp báo bế mạc hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia ngày 13/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích phương Tây vì các hành động trong khu vực có vai trò địa chiến lược quan trọng.
“Mỹ và các đồng minh NATO đang cố gắng làm chủ không gian này”, nhà ngoại giao hàng đầu Nga nói. Ông cũng cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay nhằm “quân sự hóa khu vực với trọng tâm rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc và kiềm chế lợi ích của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng, Washington cam kết đóng góp cho việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở, ổn định và thịnh vượng, an ninh và bền vững”.
Theo Reuters, phát biểu của ông Lavrov, người sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia dường như báo hiệu những tranh cãi nảy lửa giữa đại diện Moscow với các nhà lãnh đạo phương Tây tại sự kiện. Xung đột Nga – Ukraine dự kiến sẽ là một trong những chủ đề “nóng” tại hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 15 – 16/11.
Tuấn Anh