Mới đây, TS. Đặng Minh Tân, Trường đại học Giao thông vận tải công bố một khảo sát trên 3 tuyến cao tốc quan trọng, điển hình ở phía Bắc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc và Hà Nội - Thái Nguyên) cho thấy đa số các phương tiện chọn làn phía trái - làn số 1 - với đường có 4 làn xe; làn số 1 và 2 đối với đường có 6 làn xe.
Đặc biệt nhiều phương tiện dù chạy với tốc độ dưới 40km/h nhưng vẫn đi ở làn số 1 khiến cho các xe phải vượt về phía bên phải.
Trước thực trạng này, TS. Đặng Minh Tân kiến nghị cấm xe tải đi làn số 1, chỉ được đi ở làn số 2, 3 đồng thời tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt.
Ngay sau khi công bố, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Đồng tình với đề xuất này, đại diện đơn vị vận hành cao tốc Hà Nội- Hải Phòng cho rằng, với giải pháp cấm xe tải đi làn số 1 sẽ gia tăng khả năng lưu thông trên cao tốc.
Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng có ba làn, trên thực tế nhiều xe tải, xe container đi với tốc độ 80-90km/h nhưng vẫn “chiếm” làn 1 (quy định 80- 120km/h). Thậm chí có những thời điểm xe chạy chậm, dàn hàng ngang trên làn 1 và 2. Tình trạng này gây ức chế cho những xe sau muốn vượt.
Trao đổi thêm về tình trạng xe chạy rùa bò, chiếm làn và đề xuất cấm xe tải đi vào làn 1 với PV VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Luật Đường cao tốc đã quy định, xe chạy dưới 60km/h không được phép lưu thông trên đường cao tốc.
“Có nghĩa xe nào đã vào làn đường cao tốc là phải chạy với vận tốc ở mức tối thiểu 60km/h. Theo Điểm s, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 100, nếu người điều khiển phương tiện chạy dưới tốc độ tối thiểu sẽ bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng”, TS. Khương Kim Tạo nói.
Theo ông Tạo, cơ quan chức năng xem xét cần thiết có thể nâng chế tài xử phạt, áp dụng phạt nguội không chỉ với các phương tiện chạy quá tốc độ mà ngay cả với người chạy dưới tốc độ cho phép.
Về đề xuất cấm ô tô tải đi vào làn đường số 1 trên cao tốc, ông Tạo cho rằng, nguyên tắc giảm tai nạn giao thông là các phương tiện phải chạy đồng tốc.
“Nghĩa là trên các làn, ô tô phải chạy nối đuôi nhau, tránh tình trạng vượt. Muốn sang làn nhanh phải vượt các làn chậm và thông thường các làn sát dải phân cách được bố trí chạy tốc độ cao (làn số 1).
Ở một số tuyến cao tốc phân làn cho xe con chạy ở làn này với tốc độ tối đa cho phép. Những làn còn lại cho xe chạy tốc độ chậm hơn, trong đó có xe tải, xe khách. Tuy nhiên, phân như thế cũng chưa hẳn đã hợp lý”, ông Tạo nói.
Ông Tạo lý giải, nhiều xe tải cỡ nhỏ có thể chạy nhanh ở làn số 1. Chưa kể nếu tuyến cao tốc chỉ 2 làn xe thì trong nhiều tình huống sẽ xảy ra tình trạng một làn kẹt cứng, làn còn lại không xe nào.
Thừa nhận thực tế xảy tình trạng nhiều xe tải cỡ lớn, xe container chạy với tốc độ 70km/h (không vi phạm chạy dưới tốc độ tối thiểu) gây cản trở giao thông.
“Trong trường hợp này, giải quyết bằng phương pháp phân làn, thậm chí phân làn cho xe tải cỡ lớn, xe container đi vào làn bên phải sát làn dừng khẩn cấp là tối ưu. Tuy nhiên, việc phân làn tuỳ thuộc vào các mật độ lưu lượng, hiện trạng mỗi tuyến đường.
Tất nhiên nếu cao tốc có nhiều làn thì ô tô con đi làn số 1, ô tô tải, ô tô khách và các loại phương tiện khác đi làn còn sẽ là lý tưởng. Nhưng nếu đưa vào thành quy định cứng, áp dụng cho tất cả các tuyến cao tốc thì cần nghiên cứu, đánh giá sâu hơn”, ông Tạo nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, tốc độ lưu thông đã được tính toán theo cơ sở thiết kế đường cao tốc. Nếu phân làn theo từng loại xe sẽ phân biệt với xe tải. Trong khi, loại xe này cần được ưu tiên lưu thông để không ảnh hưởng chi phí vận tải.
Bởi theo ông Quyền, nếu hạn chế xe tải chạy làn 1, chỉ được chạy trung bình 70-80 km/h (làn 2, 3) thì sẽ ảnh hưởng thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng giá cước vận tải và chi phí logistics.