Hôn nhân gượng ép
Cách đây 65 năm, khi còn là anh thanh niên 20 tuổi, ông Nguyễn Văn Bảy (85 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) gặp gỡ bà Nguyễn Thị Minh (82 tuổi) thông qua người bạn thân. Năm ấy, bà Minh mới 17 tuổi và nổi tiếng xinh đẹp.
Ngay lần gặp đầu tiên, ông Bảy đã đem lòng yêu và quyết tâm chinh phục cô thôn nữ có nét đẹp hiền dịu. Thế nhưng bà Minh không hề có ấn tượng gì về chàng trai theo đuổi mình.
Bà chê ông có ngoại hình xấu, mồ côi cha mẹ, anh chị nghèo khó nên không ưng. Dẫu vậy, bố mẹ của bà Minh lại yêu quý chàng trai trẻ tính tình thật thà, siêng năng.
Mẹ bà Minh nhiều lần thúc giục, tìm cách tác động để con gái chấp nhận tình cảm của ông Bảy song bà Minh nhất quyết không đồng ý. Không thể thuyết phục bằng lời, mẹ bà Minh tạo áp lực bằng cách cấm con gái đi chơi, đi học nếu không chịu lấy ông Bảy làm chồng.
Không còn lựa chọn, bà Minh nhắm mắt đưa chân, đồng ý kết hôn với người được bố mẹ chọn cho mình. Sau 1 năm quen biết, đủ tuổi kết hôn, bà Minh được gia đình gả cho ông Bảy.
Phải cưới người mình không yêu thương, ngày làm đám cưới, bà Minh khóc nức nở. Đêm tân hôn, bà quyết không chịu động phòng, không ngủ chung giường với chú rể. Bà tìm cách đuổi ông Bảy ra khỏi phòng.
Hơn 1 tuần sau, khi đã dần chấp nhận thực tế, bà mới đồng ý cho chồng ngủ chung phòng với mình. Lấy chồng mồ côi, bà Minh không phải làm dâu. Dẫu vậy, vợ chồng bà phải sống chung nhà với anh chị chồng nên trải qua không ít khó khăn, ấm ức.
Cưới nhau tròn 1 năm, lúc bà Minh mang thai người con đầu lòng, vì hoàn cảnh gia đình, ông Bảy buộc phải xa nhà, vào nông trường làm công nhân. Cứ 2 năm ông Bảy mới được về thăm nhà một lần. Mỗi lần về, ông chỉ được ở lại 10 ngày.
Chồng đi biền biệt, bà Minh đành về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Bà sinh nở và nuôi con một mình. Lần thứ 2 về thăm gia đình, ông Bảy và vợ có thêm con.
Cũng như lần trước đó, bà Minh lại phải vượt cạn một mình. Hơn thế, tại nông trường, ông Bảy có tật thích uống rượu. Bao nhiêu tiền lương, ông đều đem mua rượu uống và không gửi về nhà giúp vợ nuôi con.
Hạnh phúc
Tại chương trình Tình trăm năm tập 171, bà Minh chia sẻ: “Ông ấy đi biền biệt, một mình tôi ở nhà sinh nở rồi bồng bế con nhỏ nên tủi thân lắm. Cùng tuổi tôi lúc đó, bạn bè làm được cái này cái kia còn tôi chỉ ra vào bế con.
Tủi thân, tôi thường trách bố mẹ rằng biết vậy để con đi làm công nhân chứ bắt con lấy chồng sớm làm gì để bây giờ khổ sở như thế. Nhưng giận thì giận mà thương tôi vẫn thương. Tôi vẫn ở nhà làm lụng chăm lo cho 2 con nhỏ”.
Ít năm sau, nhận thấy không thể để vợ chồng mỗi người một nơi, ông Bảy quyết định về quê đón bà Minh vào nông trường làm công nhân. Sau đó, ông bà dẫn theo 2 con vào nông trường sinh sống, làm việc.
Thời điểm ấy, chiến tranh đang vào giai đoạn ác liệt nên ông bà gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc, vợ chồng ông Bảy và các con không có gạo, phải ăn lương khô, khoai mì trừ bữa.
Ông bà sinh thêm 4 người con, cuộc sống càng thêm vất vả. Mỗi ngày, cả hai chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mưu sinh, nuôi con nhỏ.
Cuộc sống khó khăn nhưng tình cảm vợ chồng ông bà không vì thế mà vơi cạn, sứt mẻ. Sau lần hiếm hoi khiến bà Minh giận, bỏ về nhà mẹ đẻ lúc mới cưới, ông Bảy hối hận, tôn trọng và thương yêu vợ hết mực.
Bà Minh cũng chấp nhận cuộc hôn nhân gượng ép và dần có tình cảm với người chồng thật thà, nổi tiếng cần cù của mình.
Nếu có cãi vã, ông Bảy luôn hết lòng nhún nhường vợ. Bà Minh biết ông thương yêu vợ con nên dẫu khó khăn vẫn gắn bó, cùng chồng vượt khó, nuôi con nên người.
Cuối chương trình, ông Bảy bất ngờ gửi tặng vợ món quà, điều ông chưa làm được suốt hơn 60 năm qua. Cầm món quà trên tay, ông nói: “Tình cảm tôi dành cho bà trước sau như một. Nhưng mấy chục năm qua, vì kinh tế khó khăn nên những ngày lễ, Tết, kỷ niệm… tôi không có gì tặng bà. Nhân dịp này, tôi tặng bà chiếc khăn như một món quà để bà làm kỷ niệm trong cuộc đời này”.
Được chồng choàng chiếc khăn lên cổ, bà Minh rưng rưng xúc động. Bà nói lời cám ơn chồng trước khi ôm lấy ông trong niềm hạnh phúc.