Chuyện tình đặc biệt
48 năm trước, khi còn là chàng thanh niên nhiều hoài bão, ông Lê Văn Hùng (hiện 73 tuổi) vô tình gặp bà Nguyễn Thị Liên (hiện 73 tuổi) trên chuyến xe khách từ Vũng Tàu về nhà. Người con gái có nét đẹp dịu hiền khiến ông không thể rời mắt.
Ông mạnh dạn bắt chuyện và được bà cho biết tên tuổi, địa chỉ nhà. Ông cũng biết bà và người chị em bạn dì của mình đang trên đường trở về nhà sau chuyến đi buôn chén.
Đoạn đường ngắn khiến cuộc trò chuyện của hai người không có nhiều kỷ niệm. Tuy vậy, hình ảnh cô gái bán chén xinh đẹp đã khắc ghi trong tâm trí ông.
Trong khi đó, bà Liên vẫn chưa có nhiều ấn tượng về ông. Bởi lúc này, bà được nhiều chàng trai cùng quê theo đuổi.
Một lần khác, cũng trên đường về quê, ông Hùng bất chợt nhớ đến cô gái bán chén. Ông tìm đến địa chỉ được bà cung cấp trong lần gặp mặt đầu tiên.
Lần này, ông bà cũng không trò chuyện được lâu vì có sự xuất hiện của bố bà Liên, người nổi tiếng nghiêm khắc trong chuyện tình cảm của con gái. Sau đó, mãi đến ngày miền Nam giải phóng, cả hai mới gặp lại nhau.
Tại chương trình Tình trăm năm, bà Liên kể: “Đó là ngày 30/4/1975, cả nước ăn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong không khí ấy, tôi chợt nhớ đến ông ấy vì ông cũng là lính.
Tôi quyết định đến nhà ông để xem ông còn hay mất. Đến nơi, tôi xúc động khi thấy cả nhà ông ấy đang hòa chung niềm vui thống nhất đất nước”.
Sự xuất hiện bất ngờ của bà Liên khiến ông Hùng xúc động nói không nên lời. Sự quan tâm của bà cũng khiến mẹ ông cảm động. Bà nắm tay cô gái lạ, không ngớt lời cám ơn cô đã lo lắng cho cậu con trai còn độc thân của mình.
Trò chuyện được ít câu, cả hai vội vã giã từ. Sau những lần gặp mặt ấy, cả hai qua lại thăm nhau nhiều hơn. Dù vậy, ông bà chưa bao giờ nói, trao nhau lời yêu thương.
Ông Hùng kể: “Tôi chưa bao giờ nói lời yêu thương với bà ấy, thậm chí cũng chưa từng ngỏ lời cầu hôn. Tôi nhớ một lần, nhà tôi làm đám giỗ, bà ấy đến giúp việc nấu ăn.
Sau bữa cơm, tôi nói: 'Giờ hoàn cảnh tôi em cũng biết. Có thương thì mình đến với nhau đi, chứ đợi thưa với cha mẹ chắc sẽ khó'”.
Thương ông, bà Liên đồng ý chọn cách cả hai tự đến với nhau mà không thông qua bố mẹ. Ngay sau đó, ông chở bà về nhà lấy tư trang để theo mình đi xây dựng hạnh phúc mới.
Hạnh phúc trong khốn khó
Đón được vợ, ông Hùng không chở về nhà mà đến ở nhờ nhà ông bà ngoại. Ngày quyết định bỏ nhà theo chồng, bà Liên không mang theo thứ gì ngoài một cái cưa và một cây mác.
Mới giải phóng, cuộc sống khó khăn, không ai thuê mướn, bà Liên dùng cưa cắt tre, lấy mác vót thành đũa rồi đem bán kèm với chén. Sống với nhau 4-5 tháng, chuẩn bị được một ít tiền, ông Hùng mới dẫn bà Liên về nhà vợ để làm lễ thú phạt.
Sau ít phút giận dỗi, trách phạt, bố bà Liên cũng chấp nhận cuộc hôn nhân của con gái. Từ đó, ông bà sống trong những tháng ngày hạnh phúc dù cuộc sống vẫn nhiều khó khăn.
Sau lễ thú phạt ít lâu, ông bà sinh người con đầu lòng. Vừa sinh con, không đủ sức khỏe đi buôn chén, bà Liên nấu chè bán dạo, ông Hùng đi giăng câu. Tất bật với cuộc sống mưu sinh, cả hai không có thời gian chăm lo, gửi đến nhau những lời yêu thương.
Tại chương trình, ông Hùng thừa nhận: “Từ lúc đến với nhau cho đến bây giờ, tôi chưa từng nghĩ đến việc mua quà tặng vợ. Tôi chưa mua cho bà ấy bất kỳ món gì mà chỉ bán của bà ấy thôi”.
Cuối chương trình, ông gửi đến vợ bức thư đong đầy cảm xúc. Cuối thư, ông liên tục nói lời xin lỗi vợ khiến bà Liên bùi ngùi xúc động.
Bà chia sẻ: “Dù không có đám cưới, áo hoa, nhẫn cưới và chưa một lần được tặng quà nhưng vợ chồng tôi hạnh phúc lắm. 48 năm qua, chúng tôi vẫn sống với nhau trong căn phòng có được từ lúc mới cưới”.
Sau ít phút lắng đọng cảm xúc, ông Hùng đeo nhẫn cưới, tặng vợ sợi dây chuyền, điều ông chưa làm được suốt 48 năm qua. Bà Liên trong trang phục áo cưới hạnh phúc đón nhận những món quà của chồng trong niềm xúc động dâng trào.