Đám cưới không tình yêu
Xuất hiện tại tập 148 chương trình Tình trăm năm, ông Hồ Văn Ngọc (64 tuổi, Đồng Tháp) kể lại cuộc hôn nhân hi hữu của mình. Đặc biệt, những tiết lộ về lần trót dại khiến hạnh phúc gia đình lung lay của ông khiến người xem thích thú, xúc động.
Năm 18 tuổi, ông Ngọc đã để ý bà Lâm Thị Hương (63 tuổi). Tuy vậy, ông chưa dám ngỏ lời mà chỉ tìm cách chọc ghẹo mỗi khi thấy bà cùng bạn đi qua cây cầu trước nhà.
Lúc đó, bà Hương không hề biết đến tình cảm của ông Ngọc. Cả hai chưa một lần nói chuyện cùng nhau. Ấy thế mà duyên số như sắp đặt cho 2 người trở thành vợ chồng.
Một hôm, ông Ngọc nghe tin bố mẹ đi hỏi vợ cho mình. Ông hỏi thì được gia đình cho biết đang đi hỏi người con gái tên Lâm Thị Hương ở cùng xã. Biết bố mẹ chọn đúng cô gái mình có cảm tình, ông Ngọc lặng im, mừng như mở cờ trong bụng.
Biết tin có gia đình đến hỏi cưới mình, bà Hương bối rối. Bà không muốn kết đôi với người đàn ông xa lạ tên Ngọc. Thậm chí những thông tin về ông khiến bà sợ hãi.
Tuy nhiên, người lớn đã quyết, bà phải vâng lời. Đến hôm dạm ngõ, bà Hương mới biết mặt người sẽ trở thành chồng mình. Lúc này, bà phát hiện những điều mình được nghe về ông đều không đúng sự thật.
Ông Ngọc không ốm tong teo, xấu trai như lời kể của em trai bà. Thế nhưng với bà, ông Ngọc vẫn là người đàn ông xa lạ. Bà không có chút ấn tượng hay cảm tình nào với ông.
Năm 1979, khi ông Ngọc và bà Hương chuẩn bị tổ chức đám cưới thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Pol Pot tràn qua biên giới, ông Ngọc theo gia đình chạy giặc xuống tận Cà Mau.
Không có bà con ở tỉnh xa, gia đình bà Hương không chạy giặc mà trụ lại Đồng Tháp. Suốt thời xa cách, vì chưa có tình cảm nên ông bà không nhớ nhung, lưu luyến nhau.
Thậm chí bà Hương còn khóc, đòi mẹ trả sính lễ, không lấy ông Ngọc nữa. Bà kể: “Lúc đó, tôi chưa yêu ông ấy nên không thương nhớ gì. Ở quê, tôi nghe người ta nói mẹ ông ấy khó lắm nên sợ đến nỗi về nhà khóc, xin mẹ trả lại sính lễ, không lấy ông ấy nữa.
Mẹ tôi nói: “Con chưa làm dâu sao biết người ta khó. Khó hay không là do mình”. Nghe vậy, tôi cũng im. Nhưng sau đó, lại có người kể bố ông ấy cũng khó. Tôi lại khóc vì sợ cảnh làm dâu ở gia đình có bố mẹ chồng khó tính”.
Khi Pol Pot bị đẩy lùi, ông Ngọc trở lại Đồng Tháp và gặp lại bà Hương thông qua người từng mai mối cho mình. Gặp lại người xưa sau thời gian chạy giặc, ông Ngọc bỗng nhiên có tình cảm, yêu thương bà.
Tuy vậy, tình cảm ấy không khiến bà Hương ấn tượng hay có những rung động đầu đời. Song, hai người vẫn tổ chức đám cưới như đã hẹn từ trước.
Ngày nhà trai đến rước dâu, bà Hương đứng khóc một mình. Kết hôn không có tình yêu nên dẫu đã về nhà chồng, bà Hương vẫn buồn bã. Những ngày đầu làm dâu, chiều đến, bà lại ra sau nhà, trông về nhà mẹ đẻ và khóc.
Vết gợn cuối đời
Cưới vợ, ông Ngọc được gia đình cho ra ở riêng. Vợ chồng ông cắt lá, chặt cây dựng tạm căn nhà ọp ẹp, liên tục lắc lư mỗi khi gió bão thổi về. Ngày ngày, ông ra ruộng trồng lúa, bà Hương ở nhà lo cơm nước, giúp mẹ chồng nuôi heo để tăng thu nhập.
Sống chung một thời gian, thấy ông Ngọc vất vả chăm lo cho mình, bà dần thương rồi yêu chồng lúc nào không biết. Cưới nhau không lâu, bà Hương mang thai nhưng sinh khó rồi mất đứa con đầu lòng.
Sau đó, bà tiếp tục mang thai. Sinh con, vợ chồng ông Ngọc càng thêm thắt ngặt. Có thời điểm, ông bà khó khăn đến nỗi chỉ có thể rang muối hột lên cho con ăn với cơm.
Dẫu vậy, ông bà vẫn sống với nhau yên ấm, hạnh phúc. Cả hai chưa một lần khiến cuộc sống vợ chồng căng thẳng cho đến khi bà Hương phát hiện bức thư lạ và chuyện ông Ngọc đi uống bia ôm.
Một lần, trong lúc quét sân, bà Hương nhặt được bức thư ghi dòng chữ: “Chồng chị làm tôi có bầu. Hẹn chị đến gặp để tôi đưa ra bằng chứng”. Đọc lá thư, bà Hương nổi cơn ghen, chất vấn chồng.
Tuy nhiên, sau đó bà bình tĩnh, nghe lời khuyên can của gia đình. Bà tin đây có thể là một vụ dàn cảnh để cướp tài sản. Bà quyết định không đến chỗ hẹn và lặng lẽ quan sát chồng.
Quả thật sau đó, bà không phát hiện được gì và cũng không thấy ai gửi thư nữa. Từ đó, bà tin tưởng, yêu thương chồng hết mực.
Thế nhưng mấy năm gần đây, bà bất ngờ phát hiện ông Ngọc sinh tật đi uống bia ôm. Bà kể: “Lần đó, tôi về nhà mẹ ruột chơi. Lúc này, anh ruột mời tôi uống bia nhưng tôi từ chối. Thế rồi anh ấy nói sao em không uống, chứ chồng em đi bia ôm, uống bia nhiều lắm.
Hóa ra, chồng và anh ruột tôi đi bia ôm cùng một địa chỉ. Về nhà, hai vợ chồng cãi nhau. Tôi nói: “Mình lớn tuổi rồi, ngồi sui rồi sao lại đi mấy cái đó. Đi vậy rồi làm sao dạy con trai, con rể được…”. Từ đó, ông nghe lời tôi, không đi nữa”.
Nghe vợ kể, ông Ngọc thú nhận đó là lần đầu tiên mình đi bia ôm. Tuy vậy, ông quả quyết chỉ đi một lần cho biết sau khi được bạn bè rủ rê, mời mọc. Sau khi khiến vợ giận, ông đã kiên quyết từ bỏ. Từ đó, hạnh phúc gia đình ông lại êm ấm như thuở xưa.
Cuối chương trình, ông Ngọc gửi cho vợ lá thư tay đầy xúc động. Trong thư, ông gợi nhắc những ngày tháng cơ cực, thức khuya dậy sớm của hai vợ chồng. Cuối cùng, ông gửi đến bà Hương lời cám ơn sâu sắc khiến bà xúc động rơi nước mắt.