Hôn nhân sắp đặt
Cách đây hơn 50 năm, ông Nguyễn Văn Bầu (hiện 73 tuổi) thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Quê nhà bị địch tạm chiếm, ông chuyển đến hoạt động tại căn cứ bí mật ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Những năm ấy, mỗi lần đứng gác, ông Bầu đều thấy cô gái trẻ có ngoại hình xinh đẹp, dịu hiền tên Nguyễn Thị Bé đi cấy lúa, cuốc đất trồng khoai. Sau nhiều lần gặp mặt, ông cảm mến và có tình cảm sâu nặng với bà.
Trong khi đó, bà Bé không hề có tình cảm đặc biệt nào với ông. Thế nhưng, sự thật thà của ông Bầu lại chiếm được cảm tình của mẹ bà Bé.
Bà cụ rất thương yêu ông Bầu và nhất quyết gả con gái cho ông. Tại chương trình Tình trăm năm tập 163, bà Nguyễn Thị Bé (71 tuổi) kể: "Một lần, ông ấy bị thương, nằm điều trị gần nhà tôi. Tôi không nói chuyện với ông ấy. Nhưng mẹ tôi thương ông ấy lắm. Bà thường pha sữa cho ông uống rồi bắt tôi đến nói chuyện. Sau đó mẹ tôi nói: Mẹ chỉ gả con cho nó thôi. Cũng có chỗ đến hỏi cưới con nhưng người ta chê mình nghèo”.
Được mẹ vợ tương lai ủng hộ, ông Bầu bí mật về quê mời bố mẹ, người thân đến nhà bà Bé nói chuyện cưới xin. Ngày gia đình ông đến, địch bất ngờ tập kích, bắn pháo kích cháy đỏ một góc trời.
Vì tham gia cách mạng, bị địch truy lùng, ông Bầu không thể tổ chức đám hỏi, đám cưới tại quê nhà. Ông chỉ có thể tổ chức đám hỏi, lễ thành hôn giản đơn nơi quê vợ.
Dẫu vậy, chuyện tình cảm vợ chồng của ông bà những ngày đầu không suôn sẻ. Vì chưa yêu thương và giận chuyện ông từng nằm chung võng với cô gái khác, sau khi cưới, bà Bé không chịu ngủ cùng phòng với chồng.
“Đêm tân hôn và 2 ngày sau đó, bà ấy toàn chạy về nhà anh chị ngủ”, ông Bầu nhớ lại.
Cưới được 1 tuần, vợ chồng ông Bầu bí mật trở về nhà bố mẹ ruột, bắt đầu quãng đời nghèo khó.
Đi qua gian khó
Bà Bé rơi nước mắt kể lại: “Về thấy gia đình chồng nghèo khổ, tôi cảm động lắm. Lúc ấy, chúng tôi nghèo đến nỗi đi vay gạo ăn không ai cho. Người ta sợ chúng tôi không trả được.
Khi tôi vay được gạo, mẹ chồng lại nói: 'Mình vay sao thì sau này phải trả như vậy. Nhưng mình làm sao mà trả đúng như thế được nên con đem trả lại gạo cho người ta đi. Mình kiếm gì ăn tạm là được rồi'.
Nghe lời mẹ, bà Bé nuốt nước mắt đem trả số gạo vừa vay được từ người quen. Về nhà, bà hái rau dại nấu ăn cho qua bữa. Để có gạo ăn, dù đang mang thai, đêm đêm bà Bé vẫn phải đi cắm câu, giăng lưới.
Những hôm kéo được cá to, bà đem đổi gạo. Cá nhỏ, bà để ở nhà ăn kèm với rau. Ông Bầu tham gia cách mạng, không thể ở nhà với vợ. Thế nên sau khi cưới, bà Bé vẫn chăn đơn gối chiếc. Lâu lâu, ông mới bí mật về thăm vợ được 1 lần.
Không có chồng bên cạnh, một mình bà Bé ngày ra ruộng cấy lúa, đêm giăng câu bắt cá để nuôi thân và 2 người em chồng đang tuổi ăn tuổi lớn. Quá cực nhọc, bà nhiều lần sinh non, mất con lúc vượt cạn.
Cảnh nghèo khó đeo đuổi vợ chồng ông Bầu mãi cho đến khi hòa bình lập lại. Không còn phải hoạt động bí mật, ông Bầu trở về nhà. Dẫu vậy, kinh tế gia đình ông bà lúc này vẫn vô vàn khó khăn, phải chạy ăn từng bữa.
Ông kể: “Tôi nhớ, cưới được ít lâu, quê nhà trúng dịch rầy hại lúa. Vợ tôi lúc đó đang mang thai mà phải đeo bình xịt thuốc rầy. Vì bị địch truy lùng, tôi không dám về. Tôi trèo lên ngọn cây cao, nhìn vợ ôm bụng bầu xịt thuốc mà đứt ruột.
Hòa bình, nhà tôi vẫn nghèo, vẫn không có gạo ăn. Các con thèm cơm quá, đòi nấu, vợ chồng tôi chỉ ừ cho qua rồi lén bốc nắm gạo nấu cháo trắng cho cả nhà. Khổ quá, vợ tôi nhiều lần đòi chết. Tôi hết khuyên can rồi canh chừng bà ấy nghĩ quẩn, làm liều”.
Dẫu gian khổ đeo đuổi, vợ chồng ông Bầu vẫn tìm thấy hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. Kết hôn đã 50 năm nhưng ông bà chưa một lần cãi vã, giận hờn.
Biết vợ chịu nhiều khổ cực, hy sinh cho gia đình, ông Bầu trân trọng và thương yêu bà hết mực. Khi được về sống với vợ con, ông Bầu tôn trọng và chia sẻ vui buồn, cực nhọc trong công việc, cuộc sống với bà.
Ông tự đặt ra cho mình 2 điều không được phạm phải trong đời sống vợ chồng là không mắng, không đánh vợ. Hai quy tắc ấy giúp ông bà có cuộc hôn nhân bền chặt suốt 50 năm qua.
Cuối chương trình, ông Bầu nói lời cám ơn vợ vì đã hy sinh cho mình và gia đình. Trước khi tạm biệt khán giả, ông đặt lên má người vợ tào khang nụ hôn ấm áp rồi nói: “Trước đây, vì quá khổ cực, bà từng muốn quyên sinh.
Nhưng thôi, bây giờ chúng ta có con cháu đầy đàn, dâu con hiếu thảo. Được như thế là chúng ta đã có niềm hạnh phúc không gì so sánh được”.