Dấu mốc ruộng bắp
Thuở nhỏ, ông Lý Văn Hấp (76 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Lùn (72 tuổi) sống cùng phường tại TP.HCM. Nhà cả hai chỉ cách nhau vài bước chân nên ông Hấp thường đến chơi với bà Lùn.
Mồ côi cha mẹ từ năm 1 tuổi, mỗi khi đến chơi, ông Hấp lại cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ bà Lùn. Tự trong đáy lòng, ông xem bà như người mẹ thứ hai của mình.
Tình cảm ấy khiến ông thường xuyên đến nhà bà Lùn chơi. Theo thời gian, ông đem lòng yêu cô gái vốn là thanh mai trúc mã.
Trong khi đó, bà Lùn sớm có cảm tình với người bạn trai vui tính, nói chuyện có duyên, thường xuyên đến giúp mình làm vườn. Lớn hơn một chút, bà thương ông sớm mồ côi, xem cha mẹ mình như ruột thịt nên càng cảm mến.
Chiến tranh nổ ra, ông Hấp tham gia cách mạng. Những lúc bị địch bố ráp, ông chuyển sang hoạt động bí mật, không thể về nhà. Thời gian ấy, đêm đêm bà Lùn nấu cơm, mang đến cho ông ăn.
Tình yêu của hai người lớn dần và đậm sâu theo những lần đưa cơm như thế. Thế rồi, sợ chiến tranh chia cắt, không biết ai còn ai mất, bà Lùn trao trọn lần đầu của mình cho người yêu giữa ruộng bắp trong một lần đến đưa cơm.
Sau đêm hạnh phúc ấy, bà Lùn phát hiện mình có thai. Không ai chê trách đôi trẻ vượt rào, ăn cơm trước kẻng trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc, có thể sống nay chết mai. Thế nên gia đình ông bà tổ chức gặp mặt làm lễ thú phạt, chấp nhận cho 2 người đến với nhau.
Ông Hấp nhớ lại: “Gọi là đám cưới nhưng đúng ra đó là lễ thú phạt. Hôm đó, chỉ có khoảng 10 người tham dự. Chúng tôi cũng không có nhẫn cưới.
Vì không còn cha mẹ, tôi được ông nội chuẩn bị cho một đôi bông tai để trao cho vợ lúc hai gia đình gặp nhau. Vợ tôi khi đó cũng không có áo dài, áo cô dâu mà chỉ mặc áo bầu”.
Sau đám cưới, bà Lùn về làm dâu tại nhà ông nội của chồng. Tại đây, bà được ông nội chồng dạy cách nấu cơm, làm dâu, quán xuyến gia đình. Trong khi đó, ông Hấp tiếp tục vắng nhà vì hoạt động cách mạng trong bí mật.
Khi con gái đầu lòng được 1 tuổi, ông Hấp bị địch phát hiện, bắt giam. Trong ngục tối, ông nhớ vợ con đến đứt từng đoạn ruột.
Để khỏa lấp nỗi nhớ con, ông xin bịch bánh quy con đang ăn dở trong lần bé cùng mẹ vào tù thăm nuôi mình. Đêm đêm, ông ngồi ngắm, đặt bịch bánh ấy bên mình để đỡ nhớ con gái.
Hạnh phúc viên mãn
Sau khi được trả tự do, ông Hấp vẫn tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng và liên tục xa nhà. Ông bà chỉ được gặp nhau trong những lần ông bí mật về thăm gia đình.
Trong giai đoạn này, ông bà có thêm với nhau 2 người con. Suốt trong thời gian chồng vắng nhà, bà Lùn một mình nuôi con, chăm sóc ông nội chồng.
Mỗi ngày, bà gửi các con cho mẹ ruột để ra ruộng, lên rẫy làm lụng mưu sinh. Những cực nhọc ấy kéo dài cho đến ngày thống nhất đất nước.
Ông Hấp trở về. Ông cùng đồng đội hỗ trợ xây dựng chính quyền phường nơi mình sinh sống.
Ít năm sau, ông giữ chức phó chủ tịch phường này và được cấp trên giao nhiệm vụ đi xây dựng công trình ở các nông trường. Nhận nhiệm vụ, ông lại tiếp tục xa gia đình, vợ con cho đến khi về hưu.
Cùng trải qua những tháng năm thăng trầm, ông bà có cuộc hôn nhân bền chặt. Dù ông Hấp có nhiều thời gian xa vợ con, nhưng bà Lùn chưa bao giờ giận chồng. Trong khi đó, ông Hấp yêu thương, tôn trọng và biết ơn vợ đã hy sinh cho mình và các con.
“Vợ tôi rất hiền. Hơn thế, trong quá trình tôi hoạt động cách mạng, tham gia chính quyền, một mình bà ấy ở nhà nuôi con, phụng dưỡng ông nội. Công lao đó tôi đáp đền còn không hết, thành ra không có gì để to tiếng cả”, ông tâm sự.
Hiện nay, ông bà có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn cùng con cháu. Có điều kiện kinh tế, sau khi nghỉ hưu, ông Hấp và vợ tập trung tham gia công tác xã hội, từ thiện.
Năm 2017, ông bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa của gia đình thành khu chợ để bà con bán hàng rong có nơi buôn bán ổn định. Đến nay, khu chợ nghĩa tình này vẫn hoạt động, trở thành chốn mưu sinh của nhiều tiểu thương vốn là những gánh hàng rong.
Cuối chương trình, ông Hấp bất ngờ gửi cho vợ lá thư tay được viết từ năm 1970. Thư có đoạn: “Em yên tâm lo cho con và phụng dưỡng ông nội… Đã qua thời gian điều tra, chúng khai bắt dã man. Anh cương quyết không khai, một lòng với cách mạng.
Anh luôn vững lòng tin cách mạng sẽ thành công chúng ta sẽ cùng đoàn tụ, cùng nuôi con, phụng dưỡng ông nội. Anh gửi lời thăm ông nội và má”.
Đây là bức thư ông viết khi đang ngồi tù nhưng không thể gửi về cho vợ. Sau khi được tự do, ông vẫn giữ bức thư này cho đến ngày lên chương trình. Trước khán giả, ông gửi tặng vợ như một kỷ niệm không thể quên.