Hôn nhân chớp nhoáng

Ông Trần Văn Bé Ba (67 tuổi, Đồng Tháp) và bà Võ Thị Hằng (69 tuổi) vốn là thanh mai trúc mã. Cả hai chơi chung với nhau từ khi còn bé. Vì ít tuổi hơn, ông Ba thường gọi bà Hằng là chị và xưng em.

Cả hai gìn giữ tình cảm chị em suốt thời thơ ấu. Đến tuổi trưởng thành, ông Ba và bà Hằng đều có nhiều người đến mai mối, dạm hỏi. Tuy vậy, cả hai đều không chọn được bến đỗ cho riêng mình.

Thấy vậy, người chị họ của bà Hằng ngỏ ý làm mai ông Ba cho bà. Ý định trên được bố mẹ hai bên gia đình đem ra bàn bạc. Cuối cùng, hai gia đình quyết định sẽ trở thành sui gia.

tinh-tram-nam-1.png
Vợ chồng ông Ba, bà Hằng tại chương trình Tình trăm năm. Ảnh cắt từ chương trình

Ngày biết tin bố mẹ làm mai mình với bà Hằng, ông Ba không đồng ý. Bởi, ông chỉ muốn cưới vợ ít tuổi hơn mình. Hơn thế, ông đã quá thân thiết với bà Hằng và xem bà như một người chị. 

Tuy nhiên, bố mẹ ông Ba vẫn kiên quyết giữ ý định làm mai con mình cho bà Hằng. Thậm chí, hai nhà đã định sẵn ngày gặp gỡ, nói chuyện kết hôn của đôi trẻ.

Lúc biết tin, bà Hằng cũng rất bất ngờ. Nhưng vì quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bà miễn cưỡng chấp thuận cho ông Ba sang nhà xem mắt mình. 

Ngày hai gia đình gặp nhau nói chuyện, đứng đối diện với ông Ba, bà Hằng bối rối, không biết gọi ông bằng gì. Dẫu vậy, ông bà vẫn nghe theo lời bố mẹ, đồng ý trở thành vợ chồng.

Xem mắt chưa đầy tháng, ông bà được bố mẹ hai bên tổ chức làm đám hỏi. Tại chương trình Tình trăm năm tập 196, ông Ba kể: “Từ hôm xem mắt đến khi làm đám hỏi, chúng tôi mới gặp lại nhau.

Trước lúc làm đám hỏi, tôi không có cảm giác nhớ bà ấy. Không hiểu sao, sau khi làm đám hỏi, tôi bắt đầu thấy nhớ nhung. Cứ đôi ba ngày, không thấy bà ấy là tôi lại thấy nhớ và đến tìm nhà. 

Khi ba vợ lên liếp vườn nhà nhưng chưa biết trồng gì, tôi ngỏ lời trồng quýt đường, được ông cụ đồng ý. Tôi đem quýt sang trồng rồi rủ bà ấy thăm vườn. Tại đây, chúng tôi có nụ hôn đầu tiên với nhau”.

tinh-tram-nam-2.png
Bà Hằng xúc động khi nghe chồng nhắc đến những năm tháng khó khăn, cùng nhau vượt qua. Ảnh cắt từ chương trình

Ba tháng sau ngày làm đám hỏi, ông bà chính thức tổ chức lễ cưới. Gia đình khá giả, ông bà có với nhau đám cưới ấm áp, đầy đủ áo hoa, quà cưới. 

Hôn nhân đến quá nhanh, bà Hằng về nhà chồng trong tâm trạng hoang mang, lo lắng. Thậm chí bà sợ hãi khi nghĩ đến việc “làm vợ". 

May thay đêm tân hôn, ông Ba say rượu ngủ li bì, nên bà Hằng vượt qua được nỗi sợ lần đầu gần gũi chồng. Phải mấy ngày sau, bà mới dần quen, vượt qua cảm giác ấy.

Hạnh phúc bất ngờ

Về nhà chồng, bà Hằng được mẹ ông Ba thương yêu hết mực. Hai ông bà có với nhau 4 người con.

tinh-tram-nam-3.png
Ông Ba hôn vợ thay cho lời tri ân sâu sắc dành cho bà. Ảnh cắt từ chương trình

Đông con, ông Ba cùng vợ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mưu sinh. Hết làm lúa, ông bà lại trồng mía, tỉa đậu… đem bán nuôi con.

Dẫu cực nhọc, ông bà vẫn cố gắng cùng nhau vượt gian khó. Có lần, dù đang mang thai tháng thứ 8, bà Hằng vẫn cùng chồng trầm mình dưới ruộng gặt lúa trong mùa mưa, nước nổi.  

Sau này, căn nhà, ruộng vườn của ông bà không may bị sạt lở xuống sông. Cuộc sống khó khăn, ông Ba được bố mẹ vợ cho đất để về ở, mưu sinh. 

Tuy nhiên, ông bị bố mẹ ruột kịch liệt phản đối. Không được đồng ý, ông bà đành cùng nhau cố gắng vượt khó tại quê nhà.

tinh-tram-nam-4.png
Ông tặng vợ chiếc nhẫn vàng để làm vật kỷ niệm. Ảnh cắt từ chương trình

Suốt 45 năm chung sống, dù ít khi nói thành lời nhưng ông Ba thương yêu vợ hết mực. Ông cũng nỗ lực chăm lo cho con cái ăn học đàng hoàng.

Cuối chương trình, ông Ba bất ngờ gửi cho vợ lá thư tay đầu tiên. Trong thư, ông nhắc lại những kỷ niệm khó quên của hai người và khẳng định bà Hằng là một nửa hoàn hảo của cuộc đời mình.

Lời thư chân tình, thân thương khiến bà Hằng cảm động. Bà rơi nước mắt hạnh phúc khi biết chồng cố gắng bày tỏ tấm lòng mình qua những dòng thư tay. 

Trước khi kết thúc chương trình, ông Ba đặt lên má bà Hằng nụ hôn ấm áp. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày cưới, ông tặng vợ chiếc nhẫn vàng như một cách ôn lại kỷ niệm ngày cả hai về chung một nhà.