Ngày 19/8, Facebook cho biết mạng xã hội này đã xóa 790 nhóm QAnon, hạn chế 1/950 nhóm, 440 trang và hơn 10.000 tài khoản liên quan tới các thuyết cực hữu. Đây là hành động mạnh mẽ nhất của Facebook đối với các nhóm cực đoan trên mạng.
Từ những nhóm chia sẻ trên mạng, phong trào QAnon đã tạo ảnh hưởng ngoài đời và được cho là liên quan tới nhiều vụ ẩu đả. Ảnh: Getty. |
Nơi lan truyền thuyết âm mưu
QAnon là các nhóm chuyên tuyên truyền các thuyết âm mưu. Lý thuyết chính của nhóm này, theo Wall Street Journal, là có một đội ngũ những kẻ buôn trẻ em cực kỳ quyền lực trên thế giới. QAnon cũng như các nhóm thuyết âm mưu phát triển mạnh trên các mạng xã hội kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới vào tháng 3. Theo số liệu của New York Times, số lượng tương tác trong các nhóm QAnon đã tăng 2-3 lần trong 6 tháng qua.
Phong trào QAnon cổ vũ các thông tin giả, hoang đường nhưng lôi kéo được rất nhiều người tham gia. Ảnh: Imago. |
Không chỉ hoạt động trên mạng, những người tin vào lý thuyết QAnon, tự gọi mình là Q, ngày càng xuất hiện nhiều trong những hoạt động chính trị ngoài đời. Họ cũng tham gia nhiều hơn vào các tổ chức chính trị. New York Times cho biết bà Marjorie Taylor Greene, một người ủng hộ lý thuyết QAnon, đã trúng cử tại bang Georgia và có thể sẽ trở thành hạ nghị sĩ trong tháng 11.
Wall Street Journal cũng cho biết một quan chức FBI từng cảnh báo QAnon và các nhóm thuyết âm mưu có thể thúc đẩy bùng phát bạo lực tại Mỹ.
Các bài viết của những nhóm QAnon cũng từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên tài khoản cá nhân. Trong một cuộc họp báo ngày 19/8, khi được hỏi về QAnon, ông Trump cho rằng mình "không biết nhiều về phong trào, trừ việc họ rất thích tôi, và tôi rất cảm ơn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được phong trào QAnon ủng hộ, cho biết ông "rất cảm ơn" khi được hỏi về phong trào này. Ảnh: CNN. |
Khi được hỏi về các lý thuyết của nhóm QAnon, ông Trump cho biết mình "chưa nghe về chúng, nhưng nhưng chúng tốt hay xấu?". Tổng thống Mỹ bổ sung rằng ông "đang bảo vệ thế giới khỏi một luồng triết lý cực tả sẽ phá hoại đất nước, và khi đất nước này đã sụp đổ thì cả thế giới sẽ tiếp bước", theo Wall Street Journal.
Các mạng xã hội đối phó với QAnon thế nào?
New York Times nhận định việc Facebook thẳng tay loại bỏ các nhóm QAnon cho thấy lý thuyết này đã phát triển nhanh và thành một mối nguy như thế nào. Phong trào QAnon chỉ mới bắt đầu khoảng 4 năm trước, nhưng đến nay đã thu hút rất nhiều người tham gia.
"Chúng tôi thấy một phong trào đang lên, tuy không trực tiếp tạo ra bạo loạn, nhưng lại cổ vũ các hành động bạo lực, cho thấy họ có vũ khí và gợi ý sẽ dùng vũ khí, hoặc lôi kéo người tham gia với hành vi bạo lực", Facebook phát ngôn về hành động chặn QAnon, đồng thời cho biết đã chặn các hashtag mà phong trào này thường sử dụng.
Twitter vào tháng 7 cũng thông báo đã xóa hàng nghìn tài khoản QAnon, chặn các trào lưu và từ khóa tìm kiếm liên quan đến phong trào này. Reddit xóa một số diễn đàn QAnon, trong khi YouTube cũng cho biết họ đã xóa "hàng chục nghìn video liên quan đến Q".
"Cần phải có một sự thay đổi đối với cách các nền tảng suy nghĩ về thuyết âm mưu và những ảnh hưởng trong đời thực mà chúng có thể gây ra", Cindy Otis, Phó chủ tịch công ty chuyên phân tích tin giả Alethea Group nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng các mạng xã hội đã hành động chậm chạp khi QAnon phát triển nhanh chóng. Ảnh: Getty. |
"QAnon là một siêu thuyết âm mưu. Nhiều thuyết âm mưu khác được hình thành dưới lý thuyết của QAnon, do vậy nó có thể lôi kéo mọi người theo nhiều cách khác nhau và cho họ một nhà chung. Không có câu trả lời dễ dàng để đối phó với QAnon", Marc-André Argentino, nghiên cứu sinh tiến sỹ đang nghiên cứu về QAnon nói với New York Times.
Sự hiệu quả của các hành động cấm thuyết âm mưu vẫn còn chưa rõ ràng. Mặc dù YouTubetuyên bố chặn QAnon, đôi khi video về thuyết âm mưu này vẫn hiện lên trong mục đề xuất. Trên TikTok, các tài khoản đề cập tới QAnon lên tới hàng chục nghìn.
Trên Facebook, QAnon hoạt động thương mại rất mạnh dù mạng xã hội này tuyên bố chính sách chặn các phong trào "có thể dẫn đến bạo lực". Trước đó, các trang, nhóm QAnon còn bán những vật phẩm như áo phông, mũ hay phông bạt thông qua quảng cáo Facebook.
"Các nền tảng đã mất quá nhiều tuần, quá nhiều tháng, để có thể nhận biết được điều gì đang xảy ra", chuyên gia Cindy Otis nhận định.
"QAnon thường bị coi là những thuyết âm mưu vớ vẩn trên mạng, nhưng những người ủng hộ thuyết này ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong những vụ bạo lực ngoài đời. Điều đó là đủ để có những hành động theo dõi, tác động trực tiếp", Molly McKew, nhà nghiên cứu độc lập về tin giả nói với Wall Street Journal.
(Theo Zing)
Người hay xem Facebook, YouTube dễ tin vào thuyết âm mưu Covid-19
Theo nghiên cứu mới của Anh, người dùng các mạng xã hội như Facebook, YouTube tìm kiếm thông tin về Covid-19 có xu hướng tin tưởng các thuyết âm mưu về dịch bệnh này.