Cần thành thạo công nghệ
Theo tin từ Báo Tuyên Quang, từ giữa năm 2022, các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn được thành lập trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Toàn tỉnh hiện có 1.733 Tổ công nghệ số ở thôn, tổ dân phố; 138 Tổ công nghệ số cấp xã với tổng số trên 10 nghìn thành viên.
Ở cấp xã, Tổ trưởng Tổ công nghệ số là Chủ tịch UBND xã hoặc Bí thư Đoàn xã, còn ở cấp thôn do trưởng thôn làm Tổ trưởng, bí thư chi đoàn làm tổ phó.
Ở nhiều địa phương khi thành lập và đi vào hoạt động vẫn có tư tưởng phụ trách chính trong công tác chuyển đổi số, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi số là của đoàn viên thanh niên. Chính vì tư tưởng này nên ở nhiều nơi phó mặc công tác hướng dẫn Kỹ năng số đến với người dân cho tổ chức Đoàn mà chưa có sự tham gia tích cực từ các thành viên khác trong Tổ.
Có mặt tại một số buổi hướng dẫn nhân dân cài đặt các ứng dụng số của Tổ công nghệ số cộng đồng một số địa phương, theo quan sát của phóng viên, chỉ có lực lượng đoàn viên thanh niên là chủ lực, không có hoặc có rất ít sự tham gia của các thành viên khác.
Ông Đặng Văn Cương, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ công nghệ số thôn 6 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) dù đã cài đặt hết các ứng dụng trên điện thoại di động của mình như: VNeID, VSSID, Tuyên Quang ID nhưng theo ông Cương, ông vẫn chưa biết hết các tính năng của các ứng dụng này, cho nên cũng chưa hướng dẫn được cho người khác cài đặt và sử dụng.
Theo đồng chí Trịnh Hải Linh, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hàm Yên, khó khăn nhất hiện nay là các tổ trưởng Tổ công nghệ số ở cấp thôn chủ yếu là người cao tuổi nên việc tiếp cận công nghệ còn chậm. Cùng với hạ tầng công nghệ số ở cơ sở chưa đồng bộ, tỷ lệ người dân chưa có điện thoại di động thông minh vẫn còn cao cũng là trở ngại đối với Tổ công nghệ số ở xã, thôn. Sự phối hợp giữa các thành viên trong Tổ công nghệ số ở một số nơi còn hạn chế. Đây chính là những khó khăn đang ảnh hưởng đến chất lượng của Tổ công nghệ số.
Đồng chí Trần Hoài Nam, Bí thư Đoàn xã, Tổ trưởng Tổ công nghệ số xã Thái Long (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện nay, tỷ lệ người dân đã được cài đặt ứng dụng VNeID mới đạt trên 30%, Tuyên Quang ID được trên 10%. Đây là tỷ lệ đạt thấp so với kế hoạch đề ra.
Theo đồng chí Nam, đa số các thành viên trong Tổ công nghệ số của xã, thôn chưa nhận thức đúng, đủ về chuyển đổi số, vẫn cho rằng đây là trách nhiệm của Đoàn thanh niên và của lực lượng công an. Phần lớn Tổ công nghệ số ở thôn chưa thực sự thành thạo công nghệ số nên chưa trực tiếp cài đặt các ứng dụng và hỗ trợ người dân chuyển đổi số. Các công việc này vẫn chủ yếu do Tổ công nghệ số của xã xuống cầm tay chỉ việc mới thực hiện được.
Cần sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Tổ công nghệ số ở xã, thôn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó cần sự quan tâm, quyết liệt hơn nữa của người đứng đầu. Thực tế cho thấy ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm đến hoạt động của Tổ công nghệ số, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thì ở nơi đó, Tổ công nghệ số hoạt động khá hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, trước đây, Sở tập huấn cho các Tổ công nghệ số xã, thôn thông qua trực tuyến, nhưng từ năm nay, Sở đã chuyển từ tập huấn trực tuyến sang tập huấn trực tiếp theo hướng “cầm tay chỉ việc” đối với các Tổ công nghệ số cấp xã.
Cán bộ của Sở cùng với Tỉnh Đoàn, các doanh nghiệp viễn thông trực tiếp đến các huyện, thành phố tập huấn, hướng dẫn kỹ năng chuyển đổi số. Sau khi được tập huấn trực tiếp, Tổ công nghệ số cộng đồng xã sẽ hướng dẫn lại đối với Tổ công nghệ số cấp thôn. Đổi mới này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ công nghệ số.
Theo đồng chí Trần Hạnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam (Sơn Dương), trong thời gian tới, UBND xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thành viên các Tổ công nghệ số và nhân dân về chuyển đổi số, tăng cường hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số xã, thôn và định kỳ hàng tháng yêu cầu báo cáo kết quả hoạt động của từng thành viên Tổ công nghệ số cấp xã và các Tổ công nghệ số thôn.
Thực tế cho thấy, một số nơi, trong quá trình hoạt động gặp khó khăn, vướng mắc, Tổ trưởng Tổ công nghệ số xã, thôn chưa kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp để tháo gỡ trong chuyển đổi số.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, các tổ trưởng, tổ phó Tổ công nghệ số xã, thôn cần kịp thời, chủ động và tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số ở địa phương.
Cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần quán triệt đến cán bộ, công chức, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội để có nhận thức đúng đắn chuyển đổi số không phải chỉ là trách nhiệm, là công việc của lực lượng đoàn thanh niên hay của lực lượng công an, công chức tư pháp - hộ tịch mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Vì vậy, các thành viên trong Tổ công nghệ số cần phải tích cực phối hợp, tham gia và là những người tiên phong trong chuyển đổi số ở cơ sở.