Xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cách TP Pleiku hơn 30km với 80% dân số là người Jrai. Có lợi thế về truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xã Ia Mơ Nông đang ưu tiên triển khai xây dựng và thực hiện các kế hoạch giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Đây là hướng đi giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu buôn bán rượu ghè, đan lát, dệt thổ cẩm theo quy mô nhỏ lẻ là cá nhân, hộ gia đình. Nghề dệt thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống, nhà nhà đều có khung dệt, người người đều biết dệt. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ tại chỗ. Nhận thấy tiềm năng các sản phẩm truyền thống có thể gắn với du lịch cộng đồng, tổ liên kiết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” đã được ra mắt nhằm người dân chủ động, vươn lên vượt khó, xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho đất nước.
Theo đó, Tổ liên kết hoạt động có quy chế, kết nối các nghệ nhân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm. Đồng thời, các sản phẩm làm ra của bà con được đưa về một mối là Tổ liên kết để giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho bà con.
Bà con tham gia làm du lịch sẽ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, khi có việc làm, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống của người dân cũng dần được nâng cao.
Bà H’Uyên Niê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông, cho biết Tổ liên kiết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” đã tạo được ấn tượng lớn đối với khách phương xa. Những thành viên trong câu lạc bộ luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách cách dệt thổ cẩm và thử tài khéo léo của mình.
Các phụ nữ tham gia câu lạc bộ ai cũng hào hứng khi có được nghề nghiệp ổn định.
Những chị em phụ nữ nữ xã Ia Mơ Nông đã không ngừng sáng tạo, làm ra những sản phẩm mẫu mã mới, đa dạng phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, nghề truyền thống của cha ông được duy trì, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Để dệt được một tấm váy dài, tấm khố đẹp, tùy hoa văn đơn giản hay phức tạp, người phụ nữ Jrai phải tốn nhiều ngày liền, thậm chí phải mất thời gian cả tháng mới xong.
"Nhà mình đàn ông ai cũng biết đan. Mình đan được nhiều gùi lắm, từ nhỏ đến giờ không biết bao nhiêu cái gùi đã theo mình lên rẫy đựng lúa, mang nước, cái nia theo mình từng bữa ăn. Thấy gùi của mình đẹp, bà con trong làng cùng du khách đến tham quan đều mua về sử dụng hay làm quà. Những ai muốn thử học cách đan gùi, mình sẵn sàng bày để mọi người biết về nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai mình", Ông Rơ Châm Hết, thành viên Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng nói.
Ngoài sự nỗ lực của bà con, địa phương cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của các làng nghề trên các nền tảng số và tại các hội chợ, triển lãm để đầu ra sản phẩm được tốt hơn, cải thiện thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của địa phương.
Cùng với đó, xã có đội văn nghệ tại làng Phung để biểu diễn phục vụ lễ hội và khách tham quan. Việc làm này, không chỉ giúp giữ gìn nghề truyền thống mà còn phục vụ du khách muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương.
Dưới bóng mát trong vườn cà phê, các nghệ nhân trong xã ngồi chỉnh chiêng. Thời gian tới, Gia Lai sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các chính sách, đề án đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó, có nghề dệt truyền thống của người Jrai là hướng đi quan trọng giúp cải thiện kinh tế - xã hội cho đồng bào địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.