Thưa các đồng chí Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể,
Thưa toàn thể các đồng chí và Quý vị đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường và trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài,
Thay mặt Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, tôi xin gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, địa phương và toàn thể các đồng chí lời chào thân ái, lời chúc mừng tốt đẹp và chân thành cảm ơn các đồng chí đã dành thời gian tham dự, chia sẻ và đóng góp ý kiến quý báu tại Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cảm ơn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương đã tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Ngoại giao trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị rất quan trọng này.
Thưa các đồng chí,
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Các chủ trương, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngay sau khi nước nhà giành lại độc lập, trong thư chúc Tết gửi kiều bào đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Ðó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà ". “Nhân tâm thiên lý” đó của Người tuy giản dị, nhưng có ý nghĩa rất sâu sắc, thấm đậm truyền thống đại đoàn kết và giàu lòng nhân ái của dân tộc ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khóa VII, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị khóa XI và gần đây nhất là Kết luận 12 của Bộ Chính trị khóa XIII. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để thể chế hóa; Chính phủ cũng ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và Kết luận của Bộ Chính trị.
Tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nói trên là luôn xác định cộng động người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các quốc gia, dân tộc trên thế giới; đồng thời, mong muốn, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để kiều bào phát huy tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tham gia phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào ta cả trong nước cũng như ở nước ngoài, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, khích lệ kiều bào nỗ lực vươn lên. Nhờ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng về địa bàn. Đến nay, 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có cuộc sống ngày càng ổn định, hội nhập tích cực vào xã hội sở tại, gắn bó với quê hương và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Thưa các đồng chí,
Sau khi Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận 12, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169 đề ra Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luật 12 của Bộ Chính trị, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai trong giai đoạn 2021-2026. Các ban, bộ, ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể đã và đang tích cực quán triệt, triển khai những nhiệm vụ được giao. Đến nay, khoảng 40 cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố và tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ.
Bên cạnh nỗ lực thực hiện Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 169 của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 04 Đề án để triển khai các nhiệm vụ về chăm lo đồng bào ta tại các địa bàn khó khăn, củng cố đại đoàn kết đồng bào ở nước ngoài, khơi dậy và phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Tôi đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị và nội dung tham luận của các cơ quan trong Kỷ yếu Hội nghị. Quán triệt tinh thần, chủ trương, định hướng lớn của Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến trao đổi của các đồng chí tại Hội nghị, tôi xin chia sẻ một số vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể về chủ trương, quan điểm, phương châm và các định hướng lớn đã đề ra trong Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị cũng như các nhiệm vụ Chính phủ đã giao trong Nghị quyết 169. Muốn thực hiện đúng đường lối, chủ trương, trước hết cần thống nhất nhận thức, bởi từ nhận thức đúng đắn mới chuyển hóa thành hành động đúng đắn. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục triển khai sâu rộng, thường xuyên, sáng tạo và hiệu quả để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài nhận thức đầy đủ, đúng đắn chủ trương, quan điểm, định hướng và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Hai là, đẩy mạnh chuyển hóa chủ trương thành hành động thực tiễn để các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mang lại kết quả cụ thể và thiết thực cho đất nước và kiều bào ta. Quán triệt sâu sắc chủ trương rồi, nhưng phải vận dụng linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc bởi mỗi ngành, mỗi địa phương và mỗi địa bàn có tính chất, đặc thù khác nhau.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam cần được thấm nhuần trong nhận thức, vận dụng linh hoạt trong các cấp, các ngành, các địa phương. Theo đó, mỗi ngành, mỗi địa phương cần quan tâm đến bộ phận người dân là người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng và triển khai các chính sách, quy định của ngành, địa phương mình, nhất là đánh giá các chính sách, quy định đó mang lại lợi ích, tạo thuận lợi gì hay gây khó khăn gì đối với bà con.
Kết luận 12 tiếp tục khẳng định chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương là vậy, nhưng phương thức, cách làm và mô hình thực hiện ở mỗi ngành, mỗi địa phương và mỗi địa bàn là khác nhau. Ví dụ, cách thức vận động bà còn đóng góp cho quê hương ở khu vực Châu Âu chắc chắn sẽ khác với cách thức vận động bà con ở khu vực Châu Á, và vận động ở mỗi nước trong từng khu vực cũng rất linh hoạt, phong phú và đa dạng.
Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, chúng tôi rất mong từng ngành, từng địa phương và từng địa bàn xuất phát từ thực tiễn của đất nước, ngành, địa phương và địa bàn của mình, sẽ đề ra và thực hiện hiệu quả các kế hoạch, biện pháp, giải pháp cụ thể, khả thi và thiết thực. Phải đi vào hành động cụ thể, thiết thực thì mới thu kết quả cụ thể, thực chất. Có như vậy, các chủ trương đúng đắn trong các Nghị quyết, Chỉ thị và Kết luận của Bộ Chính trị mới thực sự đi vào cuộc sống.
Ba là, công tác người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do vậy, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức đoàn thể có vai trò rất quan trọng để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Cần tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Bộ Ngoại giao (thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và các ngành trong nghiên cứu, tham mưu, điều phối, hướng dẫn và đôn đốc việc triển khai các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã lập bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là cách làm phù hợp, cần tiếp tục phát huy ở các địa phương.
Bộ Ngoại giao mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và các địa phương để triển khai hiệu quả Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là:
(i) Phối hợp nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất là tới đây chuẩn bị tổng kết gần 20 năm thực hiện Nghị quyêt 36 của Bộ Chính trị khóa IX;
(ii) Đẩy mạnh các giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực của kiều bào đóng góp cho phát triển đất nước;
(iii) Triển khai các biện pháp tổng thể về hỗ trợ kiều bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, để có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hội nhập vào xã hội sở tại;
(iv) Đổi mới, hoàn thiện các chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho bà con về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh để đóng góp cho phát triển đất nước và quê hương;
(v) Hỗ trợ bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức dạy và học tiếng Việt, quảng bá truyền thống và bản sắc văn hóa đến các thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
(vi) Xây dựng, triển khai các chính sách, biện pháp củng cố và phát triển các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa bà con với quê hương, đất nước.
(vii) Tiếp tục xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Ngành Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, trong đó có cán bộ chuyên trách làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, công tác người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại. Việc quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong ngành Ngoại giao. Vì vậy, các cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao cần nghiêm túc học tập, nghiên cứu để nắm vững các quan điểm, nội dung cốt lõi, nhất là các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong nghiên cứu, học tập Nghị quyết, phải đề cao trách nhiệm, ý thức tự giác học tập, tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị và thủ trưởng các cơ quan đại diện, với tinh thần “học thật”, “làm thật” và mang lại “kết quả thật”.
Nhân Hội nghị quan trọng này, tôi đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những chiến sỹ “tiền phương” trên mặt trận đối ngoại, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ trong đơn vị, cơ quan mình phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, cụ thể hóa bằng kế hoạch, đề án, chương trình và vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại địa bàn, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi Cơ quan đại diện phải luôn xứng đáng là mái nhà chung cho đồng bào ta ở nước ngoài, thấm đượm tình nghĩa đồng bào, “con Hồng, cháu Lạc, phải thương nhau cùng”.
Thưa các đồng chí,
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”, chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý thống nhất và hiệu quả của Nhà nước, sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của đồng bào ta ở trong và ngoài nước, việc triển khai Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn, đóng góp quan trọng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Cuối cùng, xin chúc các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, địa phương và toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thắng lợi mới.
Xin trân trọng cảm ơn.