Hội thảo do hệ phái Khất sĩ phối hợp Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phật học VN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN tổ chức.
Theo Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập Hệ phái Khất sĩ có tâm hồn cao cả, trí tuệ sáng suốt, nghị lực phi thường. Ngài đã tu hạnh độc giác, vô sư tự ngộ, với tông chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, dùng giáo lý Phật giáo khai sáng tâm trí cho biết bao người dân miền Nam lúc bấy giờ, giúp họ thoát ra được cảnh khổ của cuộc đời, xây dựng nên một đời sống an vui, hạnh phúc.
“Dù thời gian trụ thế ngắn ngủi, chỉ có 32 năm rồi vắng bóng (1954), suốt cuộc đời, Tổ sư Minh Đăng Quang đã ban trải tâm từ bi, độ lượng, vị tha đến với tất cả mọi người, độ người hữu duyên bằng hạnh trì bình khất thực, tiếp tăng độ chúng, thu nhận đệ tử xuất gia, thành lập tăng đoàn. Tổ sư Minh Đăng Quang là bậc Thánh tăng của Phật giáo Việt Nam”, Hòa thượng Chủ tịch nhận định.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, với tinh thần lấy hoằng pháp độ sinh là sự nghiệp, cứu khổ ban vui là trách nhiệm của người con Phật, tăng ni hệ phái Khất sĩ đã hoàn thành xuất sắc công tác an sinh xã hội, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa trong hành động dấn thân phục vụ xã hội, hòa mình cùng dân tộc, góp phần xây dựng một xã hội công bằng dân chủ, văn minh tiến bộ, ấm no hạnh phúc, tạo dựng nên một thế giới Tịnh độ ngay tại nhân gian.
Hiện tại, hệ phái Khất sĩ có hơn 700 ngôi tịnh xá, tịnh thất là những biểu tượng văn hóa đặc thù của hệ phái, góp thêm những nét chấm phá đặc sắc trong tinh thần biểu tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam, thống nhất trong đa dạng. Hệ phái Khất sĩ hiện có trên 3.500 tăng ni tu học trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp là một trong những sự kiện trong hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang diễn ra từ ngày 4 - 10/11 (nhằm ngày 21 - 27/9 Âm lịch) tại Pháp viện Minh Đăng Quang.
Hội thảo đón nhận trên 170 bài tham luận, chia làm 4 nhóm chủ đề (4 diễn đàn) để cùng thảo luận, làm sáng tỏ tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp của Hệ phái Khất sĩ đối với Đạo pháp và Dân tộc.
Trong suốt những ngày diễn ra Đại lễ còn có tọa đàm nội bộ chủ đề Nhìn lại các thành tựu và những biến thể của Phật giáo Khất sĩ ngày nay; lễ ký kết giữa hệ phái Khất sĩ với Ban Văn hóa Trung ương về thực hiện 4 đề án; lễ trao học bổng cho tăng ni sinh Khất sĩ của Quỹ Pháp học Khất sĩ.
Đặc biệt, còn có các khóa lễ cầu nguyện, tưởng niệm, trùng tụng Chơn lý; thi trắc nghiệm về cuộc đời, tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang và lịch sử Phật giáo Khất sĩ; pháp thoại, từ thiện, lễ hội hoa đăng tưởng niệm Tổ sư và các pháp tử của ngài; tái hiện trì bình khất thực truyền thống, cầu nguyện âm siêu dương thái; hành hương chiêm bái các thắng tích Phật giáo Khất sĩ…
Tổ sư Minh Đăng Quang sinh năm 1923 ở Vĩnh Long, là người khai sáng Hệ phái Khất sĩ, tiền thân là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ là một trong 9 tổ chức, hệ phái thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.