(VietNamNet) - Tại buổi toạ đàm “Các biện pháp ngăn ngừa lao động làm việc theo chương trình EPS ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp”, đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc Tại Việt khẳng định: Cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc sớm tìm ra liều thuốc đặc trị để chấm dứt tình trạng lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp hiện nay.

 

Sáng ngày 8/9, tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã diễn ra buổi toạ đàm về vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Buổi toạ đàm do Cục quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Sở LĐTBXH Hà Tĩnh tổ chức. Có hơn 200 người lao động đến từ các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà tham dự buổi toạ đàm.

 

Vấn đề nóng nhất được đưa ra bàn thảo là thực trạng lao động Việt Nam khi sang Hàn Quốc liền bỏ trốn khiến cho các nhà chức trách hết sức khó khăn trong việc quản lý. Các giải pháp cũng đã được đưa ra bàn thảo.

 

Theo báo cáo của Cục quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam có gần 63 nghìn người lao động sang Hàn Quốc lao động theo chương trình EPS với mức thu nhập trung bình trên 1000USD/người/tháng, tổng chi phí cho một lao động khi làm thủ tục xuất cảnh là 710USD.

 

Quang cảnh buổi toạ đàm vừa diễn ra ngày 8/9 tại Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn khi hết thời hạn hợp đồng, vừa nhập cảnh tại sân bay đang là vấn đề bức xúc, làm đau đầu cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách lao động và quản lý người nước ngoài ở Hàn Quốc.

 

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có trên 8 nghìn người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử như Trung Quốc là, Philippin, Indonesia…”.

 

Nghiêm trọng hơn, tình trạng lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc ngày một tang cao. Từ đầu năm đến nay có 25 lao động vừa nhập cảnh Hàn Quốc bỏ trốn. Sự việc này gây ảnh hưởng rất xấu về người lao động Việt Nam với các cơ quan chức năng ở Hàn Quốc.

 

Còn ông Jung Jin Joung, Giám đốc cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam thì thông tin rằng, gần 50% lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng bỏ trốn sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho các chủ sử dụng lao động, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế của đất nước Hàn Quốc.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ trốn khi vừa nhập cảnh được xác định do người lao động gian lận về sức khoẻ, khi vừa nhập cảnh sợ bị kiểm tra lại. 

 

Một giải pháp khá hay của ông Hoàng Đình Hùng - Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân) đưa ra được nhiều ý kiến đồng tình là việc chính quyền địa phương buộc gia đình có lao động cam kết con em mình sẽ không bỏ trốn. Thế nhưng, ý tưởng này lại vướng với các quy định của pháp luật.

 

Tại buổi toạ đàm, nhiều giải pháp được phía người lao động và lãnh đạo các cơ quan chức năng đưa ra như yêu cầu người lao động đặt cọc tiền thế chấp, phạt hành chính lao động và người liên quan, xử phạt chủ sử dụng lao động bất hợp pháp của Hàn Quốc…”.

 

“Từ một lao động được pháp luật hai nước bảo vệ, thế nhưng người lao động tự mình đánh mất tư cách pháp nhân khi bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp. Chính họ từ bỏ quyền được pháp luật bảo vệ, phải sống chui lủi nơi đất khách quê người”, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh nói.

 

Còn ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước thì tỏ ra lo lắng trước thực trạng này: “Mỗi năm người lao động tại Hàn Quốc gửi về trên 700 triệu USD. Nếu thị trường Hàn Quốc bị tạm ngưng sẽ thiệt thòi rất lớn cho người lao động”,.

 

  • Duy Tuấn