Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng (Hà Nội) kết nối với đường Vành đai 2 giúp các phương tiện lưu thông từ các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng tới quận Long Biên và huyện Gia Lâm và ngược lại một cách thuận tiện.
Để tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, kết nối trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố, công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 1/2021, đến nay sắp sửa hoàn tất.
Cách đây hơn 2 tháng, vào sáng 30/5, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Vĩnh Tuy 2) chính thức hợp long khối cuối cùng (khối thứ 8) đoạn cầu chính vượt sông Hồng để chuyển sang giai đoạn nước rút để kịp tổ chức thông xe vào dịp Quốc khánh 2/9.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm song song và có hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1.
Tim cầu nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 là 21,25m. Tổng mức đầu tư dự án này hơn 2.500 tỷ đồng.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m, mặt cắt ngang cầu là 19,25m, thiết kế 4 làn xe, chiều cao tĩnh không 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85m.
Cầu Vĩnh Tuy 2 được thiết kế gồm 53 nhịp, trong đó 44 nhịp Super T, 3 nhịp đúc hẫng và 6 nhịp dầm bản rỗng liên tục đúc trên đà giáo.
Đường dẫn hai đầu dài 1,68km. Sau khi hoàn thiện cả 2 giai đoạn, đây sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Hiện đơn vị thi công đang hoàn thành thảm nhựa nốt phần mặt đường đoạn giữa cầu, lắp đặt dải phân cách giữa và sơn kẻ vạch, lắp hệ thống chiếu sáng, thử tải cầu.
Các công nhân đục thông rãnh thoát nước dưới dải phân cách và lắp đặt kệ trưng bồn cây cảnh ở giữa cầu Vĩnh Tuy 1 và Vĩnh Tuy 2.
Hệ thống đèn chiếu sáng trang trí với 600 cột cũng đã được hoàn thành.
Làn đường dành cho xe buýt, xe máy, xe thô sơ khá rộng.
Hiện, mật độ phương tiện lưu thông trên cầu Vĩnh Tuy 1 phía bên cạnh khá dày đặc. Người dân thủ đô mong mỏi dự án cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành sớm để góp phần giảm tải cho con đường qua sông huyết mạch trên.
Những ngày này, điểm đầu dự án giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) hiện vẫn được rào chắn, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn và đường Cổ Linh (quận Long Biên) mở để cho các xe phục vụ công trình tiện ra vào.
Theo quan sát của phóng viên, một số ô tô đi trên cầu từ hướng Cổ Linh sang trung tâm thủ đô, khi đến đoạn trung tâm do vẫn chưa thảm nhựa tài xế đã phải đánh xe quay đầu lại.
Sau khi hoàn thành, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ có 4 làn xe lưu thông gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp, khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao, tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.