Theo Reuters, tính đến 4/7, các cuộc biểu tình tại Pháp đã kéo dài sang ngày thứ 5 và bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Emmanuel Macron nói "đỉnh bạo loạn đã qua", nhưng vẫn kêu gọi các quan chức duy trì sự thận trọng.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết, tình hình bạo loạn tại các thành phố đã giảm đáng kể trong vòng 24 giờ qua, khi còn khoảng 72 người bị bắt giữ. Kể từ ngày 30/6, cảnh sát Pháp đã bắt gần 4.000 người, bao gồm hơn 1.200 trẻ vị thành niên.
Nguyên nhân bùng phát bạo loạn
Sáng 27/6, thiếu niên 17 tuổi người Pháp gốc Algeria tên Nahel Merzouk đã bị bắn chết khi đang tham gia giao thông ở vùng ngoại ô Nanterre, thủ đô Paris. Viên cảnh sát nổ súng bắn Nahel đã bị tạm giam và đang bị điều tra với cáo buộc cố ý giết người.
Sau vụ nổ súng, hàng nghìn người đã tổ chức biểu tình trên đường phố Nanterre. Trong đám đông tham gia biểu tình có cả mẹ của thiếu niên 17 tuổi. Các cuộc biểu tình sau đó lan rộng ra hơn 10 thành phố khác của Pháp.
Bạo loạn leo thang
Trong vòng 3 ngày kể từ khi vụ nổ súng xảy ra, cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 2.800 người trên khắp cả nước. Tới 30/6, 20 nghi phạm gây bạo loạn đã bị xét xử nhanh ở Nanterre, hầu hết là thiếu niên và chưa có tiền án tiền sự.
Báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp cho biết, số vụ bắt giữ đạt đỉnh vào ngày 30/6, với hơn 1.300 vụ. Tới 2/7, tình hình bắt đầu hạ nhiệt khi số vụ bắt giữ đêm 1/7 còn khoảng 719 vụ. Tuy vậy, số cảnh sát bị thương và số vụ hỏa hoạn vẫn ở mức cao.
Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra trong ngày 2/7 khi những người biểu tình quá khích đâm xe hơi vào nhà riêng của ông Vincent Jeanbrun - Thị trưởng L’Haÿ-les-Roses. Lúc đó, ông Jeanbrun đang làm việc muộn tại tòa thị chính, trong khi vợ và các con ông ngủ ở nhà.
Cơ quan chức năng Pháp coi vụ tấn công nhà ông Jeanbrun là một “âm mưu giết người”, khẳng định sẽ truy lùng và bắt các thủ phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tối 2/7, bà Nadia, bà của nạn nhân Nahel, đã kêu gọi những người biểu tình chấm dứt bạo loạn qua truyền hình. Theo bà, những kẻ thúc đẩy bạo loạn lợi dụng bi kịch của Nahel như một cái cớ để phá hoại. "Đừng đập phá cửa hàng, đừng tấn công trường học hay đốt phá xe buýt. Hãy dừng lại. Trên xe buýt và ngoài đường phố là người thân của các cậu", bà nói.
Phản ứng của Chính phủ Pháp
Hôm 30/6, Bộ Nội vụ Pháp đã ra lệnh đóng cửa tất cả các dịch vụ xe buýt và xe điện công cộng trên toàn quốc sau 21h. Nhà chức trách ở một số thành phố cũng hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn, bao gồm buổi hòa nhạc tại sân Stade de France.
Pháp đã triển khai 45.000 cảnh sát cùng một số xe bọc thép, cảnh sát tinh nhuệ cùng các lực lượng an ninh khác trên khắp đất nước. Tới 2/7, Tổng thống Macron quyết định hoãn chuyến thăm Đức để giải quyết vấn đề trong nước.
Kể từ khi bạo loạn xảy ra, ông Macron đã kêu gọi các bậc phụ huynh quản lý chặt chẽ con mình, không để chúng tham gia bạo loạn. Chủ nhân Điện Elysee cũng đề xuất phạt tiền cha mẹ của các nghi phạm tham gia biểu tình.