Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2023 ước đạt 526 nghìn tấn, thấp hơn so với mức 537,6 nghìn tấn của năm 2022. Trong đó, sản lượng mặt hàng này tại Brazil, Indonesia và Ấn Độ dự báo giảm so với năm 2022
Riêng sản lượng hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm ngoái và chiếm 38% sản lượng hạt tiêu trên toàn cầu.
Với sản lượng trên, Việt Nam tiếp tục chiếm giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu.
Ở nước ta, hạt tiêu được ví như “vàng đen”. Ước tính tháng 8 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 16.000 tấn hạt tiêu, thu về 60 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 5,4% về giá trị so với tháng 7/2023.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu khoảng 184 nghìn tấn "vàng đen", kim ngạch đạt 600 triệu USD, tăng 14,5% về lượng nhưng giảm 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đang dần phục hồi, song trong 8 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 3.263 USD/tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 7/9, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550g/l của Việt Nam lượt lần lượt ở mức 3.500 USD/tấn và 3.600 USD/tấn. Còn giá tiêu trắng xuất khẩu giữ ở mức 5.100 USD/tấn.
Giá tiêu tại thị trường nội địa duy trì ở mức 71.000-73.500 đồng/kg.
Chuyên gia trong ngành cho biết, hiện lượng hạt tiêu vụ mùa 2023 trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều. Từ giờ đến cuối năm, hạt tiêu xuất khẩu chủ yếu từ lượng tồn kho từ các năm trước đó. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu nội địa tăng trong tháng 8/2023 và những ngày gần đây.
Dự báo, trong ngắn hạn thị trường hạt tiêu toàn cầu chịu sức ép từ nhu cầu của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Song, nhu cầu từ các thị trường này chưa thực sự khởi sắc. Theo đó, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì mức thấp.