Kính thưa anh linh các hương hồn liệt sĩ;
Kính thưa đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương;
Kính thưa các gia đình, thân nhân liệt sĩ;
Thưa toàn thể các đồng chí!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc đã bày tỏ: “Công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước,... Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Thực hiện lời dạy của Người, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, nâng cao để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Đặc biệt, công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng qua nhiều thời kỳ luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, do chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn... Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.
Xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, từ những trăn trở và day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với trách nhiệm, lòng biết ơn và phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, sau một thời gian thực hiện giải quyết thí điểm với cách làm sáng tạo nhưng rất thận trọng, tổng kết đánh giá từng bước, từng việc cụ thể, năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận; Chính phủ ban hành Nghị quyết, trong đó yêu cầu tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng các bộ, ngành và các địa phương theo trình tự, thủ tục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Trên cơ sở đó, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ tới các bước công việc cụ thể từ cơ quan công an, quân đội, cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong chặng đường 5 năm triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH tại các địa phương cho thấy, mặc dù có rất nhiều khó khăn, trở ngại do đây là việc chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất cao, sự tận tâm, tận tuỵ của các cấp, các ngành, của từng người cán bộ làm chính sách trong việc rà soát từng trang, từng dòng chữ đã ố vàng còn sót lại hoặc đã bị xoá mờ theo thời gian; sự quyết tâm không quản ngại đường xá gian nan để gặp gỡ các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của các liệt sĩ để tìm kiếm, thu thập, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu,... từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn để xem xét, xác minh, kết luận và xác nhận liệt sĩ.
Quá trình gian nan, vất vả đó bước đầu đã được đền đáp bởi những kết quả vô cùng quan trọng và thiêng liêng, sau 5 năm, chúng ta đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hoà bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước, những năm tháng đó là những năm tháng đằng đẵng nỗi nhớ khắc khoải, chờ mong của thân nhân và gia đình. Đó là những tia hy vọng mong manh vào điều kỳ diệu rằng người ông, người bà, người cha, người anh, người chồng mình vẫn còn sống. Đó là nỗi xót thương khi tiễn cha, anh lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc nhưng chưa một lần gặp lại. Đó là nỗi niềm đau đáu trong tâm can khi gia đình chưa được đón nhận Tấm bằng Tổ quốc ghi công khắc ghi tên người thân của mình,... Đợi chờ, hy vọng, rồi lại thất vọng, rồi lại đợi chờ, mong mỏi và cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.200 gia đình ấy; có thể nói rằng, sự xúc động là không thể nào tả xiết khi người cha, người chồng, người con mình, hầu hết đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử… chính thức được Tổ quốc vinh danh sau mấy chục năm dài.
Ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man, cụ đã hy sinh trong nhà lao vào ngày 27/9/1931 (đến nay đã trên 91 năm).
- Liệt sĩ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, là người đã dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình, chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội.
- Các quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp là Hoàng Hoa, Phạm Văn Trịnh, Nguyễn Văn Năm, những người lính bộ đội Cụ Hồ chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
- Các đồng chí Võ Văn Xê, Trần Hoàng Nha, Thạch Huỳnh, Triệu Thương… dũng cảm truy quét tàn quân Pôn Pốt giúp bảo vệ chế độ mới và Chính phủ Campuchia.
Và còn rất nhiều, rất nhiều các trường hợp khác.
Đạt được kết quả như trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung và việc thực hiện toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình nói riêng trong cả nước.
Kết quả trên còn là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong việc chung tay huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, với một quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin mãnh liệt nhằm thực hiện mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước trong công tác này.
Đồng thời, từ những thực tiễn triển khai công tác giải quyết tồn đọng sau 5 năm qua cũng là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Chính phủ tổng kết, đánh giá và đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-QP ngày 30/12/2021 trong đó quy định thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đối với những trường hợp còn tồn đọng hiện nay.
Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời cũng là nghĩa cử, là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay với anh linh các liệt sĩ và gia đình, thân nhân các liệt sĩ.
Xin thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sĩ!
Kính mong các anh linh liệt sĩ nhận của chúng tôi tình cảm và sự tri ân sâu sắc!
Kính thưa các gia đình, thân nhân liệt sĩ;
Thưa các vị đại biểu!
Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm hơn nữa, với quyết tâm hơn nữa trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt đối với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết căn bản song vẫn còn một bộ phận nhỏ đang chờ mong việc xác nhận liệt sĩ do thời gian, các hồ sơ, tài liệu, thông tin ngày càng ít ỏi, quá trình giải quyết ngày càng khó khăn và phức tạp hơn.
Bên cạnh việc thường xuyên tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, cần tiếp tục đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để đáp ứng nhu cầu của gia đình trong việc tìm kiếm thân nhân, thăm viếng một liệt sĩ cũng như tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu liệt sĩ.
Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn từ ngàn xưa của dân tộc, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Bởi Chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công là đạo lý, trách nhiệm và tình cảm thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam!
Một lần nữa, thay mặt Ban Tổ chức, xin kính chúc sức khỏe đồng chí Chủ tịch Quốc hội, cùng các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các quý vị đại biểu và các thân nhân liệt sĩ có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay.
Trân trọng cảm ơn!