Để giải quyết một vấn nạn xã hội như lừa đảo trực tuyến, các chuyên gia đều cho rằng nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ cho đến bản thân người dùng.
Lời tòa soạn:
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.
Các nhóm lừa đảo ‘hoành hành’ trên không gian mạng
Chuyển đổi số đang được thúc đẩy ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tại Việt Nam. Nhờ có chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Song bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng mang lại nhiều rủi ro, mất an toàn thông tin. Việc các hoạt động trong đời sống dần được chuyển dịch lên không gian mạng đã và đang tạo môi trường thuận lợi để tội phạm mạng, trong đó có các nhóm lừa đảo hoành hành.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban nhận định, chuyển đổi số Việt Nam thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế, trong đó có việc an toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thời gian qua, lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp, với số nạn nhân bị mắc bẫy lừa đảo tăng không ngừng. Số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ghi nhận của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security), 6 tháng đầu năm nay, phát hiện gần 2.000 tên miền lừa đảo, giả mạo, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ tăng về số vụ việc, các hình thức lừa đảo, giả mạo cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Viettel Cyber Security cho hay, có một số nguyên nhân chính góp phần vào sự gia tăng mạnh mẽ của các vụ lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây. Đó là sự phổ biến của công nghệ và Internet, sự phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật số, mức độ tinh vi hóa và tiến bộ của kẻ tấn công, lợi ích kinh tế và đặc biệt là việc nhiều người dùng còn thiếu nhận thức an ninh mạng.
“Việc người dùng chưa có đủ nhận thức và kiến thức về an ninh mạng khiến họ trở thành mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công lừa đảo. Sự thiếu thông tin và sự chủ quan trong bảo vệ thông tin cá nhân cũng có thể dẫn đến việc bị rơi vào các chiêu trò lừa đảo”, ông Trần Minh Quảng phân tích.
Chia sẻ quan điểm của người đã có 20 năm làm trong lĩnh vực an toàn thông tin, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NCS cho rằng, nguồn lợi khổng lồ thu được từ các vụ lừa đảo là động cơ chính của các vụ lừa đảo trực tuyến. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các đối tượng lừa đảo có thể đầu tư những công cụ để tự động hóa phần lớn các khâu của quá trình lừa đảo, giúp cho chúng có thể tiếp cận được nhiều người hơn, xây dựng được nhiều kịch bản tinh vi, khó phát hiện hơn. Và quan trọng nhất vẫn là ý thức, sự cảnh giác của người sử dụng rõ ràng không theo kịp với sự phát triển của công nghệ.
Huy động sự chung tay để chống lừa đảo trực tuyến
Bàn về giải pháp để phòng chống lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA cùng các doanh nghiệp bảo mật như VSEC, VNCS, SCS, NCS đều thống nhất rằng, để chống lừa đảo hiệu quả cần phải có sự tham gia tích cực từ tất cả các bên, gồm cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ và cả người dùng.
Trong đó, cơ quan chức năng cần tăng cường đầu tư công nghệ, giải pháp để phát hiện sớm các nguy cơ, dấu hiệu lừa đảo. Tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở, nhà cung cấp dịch vụ về đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu người dùng. Kiểm tra, rà soát, xử lý các tài khoản ngân hàng rác, SIM rác. Đặc biệt là, cần sớm áp dụng định danh trên mạng xã hội để quản lý, xử phạt các tài khoản lừa đảo.
Các nhà mạng, ngân hàng cần chủ động đảm bảo an ninh, an toàn cho dữ liệu người dùng, loại bỏ SIM rác, tài khoản rác. Các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường các biện pháp bảo vệ dữ liệu người dùng, đưa ứng dụng chữ ký số vào các giao dịch, dần thay thế phương thức xác thực truyền thống bằng mật khẩu hay mã OTP.
Nhấn mạnh người dùng cần nâng cao nhận thức, tăng sức đề kháng trước các nguy cơ, rủi ro trên mạng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho rằng, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, bảo vệ người dân, việc bản thân người dùng có thể nhận diện và biết cách phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ giúp giảm số vụ lừa đảo. Đây cũng chính là lý do Bộ TT&TT triển khai chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”.
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng cho biết, để ngăn chặn và xử lý lừa đảo trực tuyến, một việc quan trọng là ngăn chặn các nguồn thông tin độc hại tiếp cận tới người dùng. Với quan điểm đó, thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan ngăn chặn gần 7.000 website vi phạm pháp luật, trong đó có hơn 2.000 website lừa đảo. Qua đó, giúp bảo vệ khoảng 10% người dùng Internet Việt Nam trước các cuộc tấn công lừa đảo, vi phạm pháp luật trên mạng. Biện pháp này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Đặc biệt, nền tảng Tín nhiệm mạng do Bộ TT&TT vận hành đã và đang góp phần kiến tạo “Niềm tin số”, góp phần vào việc tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện các giao dịch trên mạng. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, nền tảng này đã có khoảng 212 triệu lượt người tiếp cận; tiếp nhận khoảng 508 triệu truy vấn. Trung bình hằng ngày có khoảng 1,3 triệu lượt người tiếp cận và tiếp nhận, xử lý khoảng 3,1 triệu yêu cầu/ngày.
Chia sẻ quan điểm của VNISA, Phó Chủ tịch Khổng Huy Hùng đề xuất, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dùng, các cơ quan chức năng cũng cần thiết hệ thống hoá các kênh hướng dẫn người dân, cảnh báo về lừa đảo trực tuyến, tăng cường hơn nữa quản lý và giám sát trên không gian mạng, đồng thời đưa ra các chế tài mạnh hơn để giải quyết vấn nạn lừa đảo trực tuyến.
Nhà mạng có trách nhiệm đảm bảo an toàn số mức cơ bản cho người dânNhận thức mới của Bộ TT&TT về đảm bảo an toàn thông tin - “An toàn số mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng” nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia.