Tuyến bài Toán phổ thông nặng, thiếu tính ứng dụng của VietNamNet đã thu hút rất nhiều ý kiến của các độc giả.
Môn Toán đang xa rời thực tế?
Nhiều ý kiến bày tỏ, hiện nay, các đề Toán thường quanh co, vòng vèo, đánh đố học sinh. Những kiến thức môn Toán bậc phổ thông vẫn còn quá nặng, khó áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Độc giả Phạm Hoài Vy cho biết: “Đồng ý rằng học Toán giúp nâng cao khả năng tư duy, nhưng đừng mang những kiến thức hàn lâm vào chương trình ép học sinh thành những giáo sư.
Từng học Toán ở phổ thông với tích phân, đạo hàm, logarit… sau đó lên đại học tiếp tục học Toán cao cấp… đến khi đi làm, tôi nhận thấy những kiến thức ấy dường như không được dùng tới, đa số vẫn chỉ là cộng, trừ, nhân, chia”.
Đồng tình với điều này, độc giả Huynh Nguyen Quang cho hay: “Tôi thấy khoảng hơn mười năm nay, chương trình Toán phổ thông ngày càng nặng và bị đẩy nhiều nội dung từ đại học xuống. Sinh viên khi lên đại học phải học lại nhiều rất lãng phí.
Ví dụ, Toán cao cấp A1 ở đại học với khối Kỹ thuật vẫn học lại tích phân, nguyên hàm, số phức… Việc này khiến kỳ 1 đại học vẫn là ôn luyện lại kiến thức Toán THPT, trong khi, nội dung này ở THPT bắt buộc cho mọi đối tượng. Thực tế, nhiều học sinh theo khối xã hội không cần thiết học những kiến thức nặng như thế”.
Độc giả này đề xuất, cần phải thiết kế lại chương trình môn Toán phổ thông, trong đó chỉ cung cấp kiến thức cơ bản ở bậc học này. Những nội dung chuyên sâu nên để bậc đại học nếu ngành học vẫn cần Toán.
Một độc giả khác cho hay, chương trình học phổ thông hiện nay khá nặng và mang tính hàn lâm, khó áp dụng trong thực tiễn cuộc sống và công việc hằng ngày, không chỉ riêng môn Toán.
“Cần thiết gắn việc học với thực tế công việc sau này, ví dụ, học sinh cấp 3 làm quen với ngành Kế toán, Tài chính để ít nhiều phục vụ việc quản lý tài chính cá nhân trong tương lai”, độc giả này viết.
Nhiều người đọc cũng đồng tình, dù phổ thông học nhiều kiến thức Toán, nhưng cuối cùng chỉ có cộng, trừ, nhân, chia là bài toán đi theo suốt cuộc đời.
Toán là công cụ cho tất cả các ngành nghề
Trái ngược với quan điểm “Toán học đang xa rời thực tế”, độc giả Lê Văn Vinh cho rằng: “Toán học là công cụ cho tất cả các ngành nghề”.
“Đặc biệt khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nếu dốt Toán chẳng khác nào… mù chữ”, độc giả Lê Văn Vinh thẳng thắn.
Đồng quan điểm, một độc giả giấu tên cho hay: “Học Toán cần thiết để phát triển tư duy. Mặc dù các kiến thức đó ra trường ít áp dụng trực tiếp trong công việc và cuộc sống, nhưng nhờ Toán ta biết tư duy, dự liệu cho cuộc sống của mình. Ai tư duy tốt, người đó sẽ thành công trong nghề nghiệp và đời sống".
Độc giả Vũ Tùng nhớ lại: “Sau 20 năm rời xa mái trường THPT, đến thời điểm này tôi thấy rằng, bất kỳ môn nào, kể cả môn Giáo dục công dân, cũng đều có ích trong cuộc sống.
Trong cuộc sống sẽ có lúc những kiến thức phổ thông phát huy tác dụng và hỗ trợ nhiều trong công việc. Ví dụ môn Toán, nhờ những đề bài “khù khoằm” thầy cô giao ngày xưa, giờ đây, khi phải đối mặt với các vấn đề hóc búa trong công việc cần đến kiến thức Toán, tôi không ngần ngại phân tích để giải quyết. Có thể nói, Toán hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc.
Các môn khác cũng vậy. Trước đây, môn nào không thuộc khối thi đại học, tôi học cho có để đạt điểm trên trung bình. Đến giờ, thi thoảng tôi vẫn tự trách “biết thế ngày xưa chịu học mấy môn này hơn”.
Kiến thức phổ thông như một hành trang cho tôi bước đi trên con đường tiếp theo. Càng trang bị được nhiều, bạn sẽ càng thấy có ích.
Độc giả Minh Phạm cho hay: “Học Toán phổ thông là học tư duy logic, khả năng phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin để giải quyết vấn đề… cùng nhiều kỹ năng khác để tiếp tục học lên những bậc học cao hơn”.
“Nếu không theo thiên hướng nghiên cứu, làm trong ngành kỹ thuật hay bất kỳ ngành nghề khác, môn Toán sẽ giúp cách tư duy vấn đề. Toán có vai trò như một kỹ năng hỗ trợ trong công việc. Vì vậy, có thể dạy ở mức độ cơ bản giống như các môn ngoại ngữ, để biến Toán thành công cụ hỗ trợ công việc hằng ngày”, độc giả nêu quan điểm.
Trong khi đó, bạn đọc Phạm Minh lại bày tỏ: “Thật buồn khi nhiều người nghĩ rằng học kiến thức chương trình phổ thông là phải ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Tôi cho rằng, mục đích chính của việc học trong giai đoạn này là phát triển tư duy và hình thành nhân cách của học trò. Do vậy, mỗi môn học chính là “công cụ” để phát triển điều đó. Trong các môn, Toán được xem là công cụ hiệu quả nhất. Tư duy của một người có được nhờ học Toán mà ra”, độc giả này bày tỏ.
Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết Toán phổ thông quá khó, học đại học và đi làm có cần đến?, rất nhiều độc giả bày tỏ chương trình Toán bậc THPT tại Việt Nam khá nặng nề và tính ứng dụng chưa cao. Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Quý độc giả có thể gửi ý kiến về phần bình luận dưới bài viết hoặc theo địa chỉ email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn! |