Xuất thân trong một gia đình nghèo, động lực thôi thúc tôi theo học sư phạm chỉ đơn giản là không mất tiền học phí, sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình. Đam mê với thể dục thể thao, tôi quyết định theo học chuyên ngành sư phạm Giáo dục thể chất.
Tốt nghiệp đại học, tôi cảm thấy rất may mắn khi có công việc đúng năng lực, chuyên môn và đặc biệt lại giảng dạy ở ngôi trường không có khái niệm môn chính và môn phụ.
Từ trước tới nay, không có quy ước nào thể hiện môn này là chính, môn kia là phụ. Tuy nhiên, trên thực tế, một số môn học đã bị học sinh coi là môn phụ, vì những môn đó không phục vụ thi tốt nghiệp, thi vào cao đẳng, đại học.
Nhưng ở vị trí là giáo viên một bộ môn nhiều người cho là môn phụ, tôi đã tìm cách “nâng tầm” môn học lên để học sinh hứng thú, lựa chọn và không coi đó là môn phụ.
Là giáo viên thể chất nhưng tôi vẫn được ban giám hiệu giao phụ trách công tác chủ nhiệm. Với học sinh, tôi luôn coi các em như người nhà. Tôi nghiêm khắc trong việc dạy bảo, giáo dục và định hướng nhưng cũng gần gũi, lắng nghe tụi nhỏ bất cứ lúc nào có thể. Có lẽ vì thế nên hễ tôi đến lớp, các em lại reo lên: "Bố lên lớp rồi...".
Thậm chí, chúng tôi xóa dần khoảng cách bằng những chuyến đi chơi của thầy trò. Đó là lần tôi đưa học sinh về quê của tôi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) vui chơi. Em nào cũng hào hứng, chơi mê say. Dù chỉ một ngày, nhưng khoảng thời gian đó đã cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Đó là hạnh phúc của một người thầy, tôi nghĩ vậy.
Giáo viên Thể dục làm công tác chủ nhiệm cũng có những khó khăn. Đó là số buổi học, sự tương tác trên lớp với học sinh trong tuần ít hơn các thầy cô môn Toán, Văn. Nhưng tôi luôn có cách gặp gỡ, trao đổi rất riêng khi học trò mắc lỗi.
Thường chỉ qua vài câu hỏi, tôi đã có thể tìm hiểu được toàn bộ vấn đề. Tôi nhớ cả tên, họ, tiểu sử của phụ huynh học trò.
Trí nhớ, am hiểu và sự ôn tồn nhưng kiên quyết, nghiêm khắc khi giải quyết các tình huống học trò phạm lỗi đã tạo nên quyền lực mềm của người làm giáo dục. Quyền lực mềm đó đã giúp tôi cảm hóa những học sinh vốn đang ở tuổi nổi loạn.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn hay ghen tỵ với những đồng nghiệp môn Toán mỗi tháng dạy thêm thu nhập đến vài chục triệu đồng.
Bởi lẽ, ngay từ khi bước vào nghề, tôi đã quan niệm rằng nghề dạy học không đem lại cho tôi nguồn thu nhập lớn và tôi chưa bao giờ lấy điều đó làm thước đo của cuộc sống.
Hơn nữa, tôi sống cũng đơn giản, nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng bằng việc mình biết đủ. Tôi luôn tâm niệm giá trị của công việc không nằm ở thu nhập hàng tháng. Nó nằm ở những điều mình có thể mang lại cho học trò. Chỉ cần bản thân thấy hài lòng là sẽ hạnh phúc và tôi đang rất hài lòng về công việc hiện tại.
Đặc biệt, bộ môn Thể dục vô cùng quan trọng. Tôi vẫn nói với học trò: "Chỉ khi có một trí tuệ thông minh trong một cơ thể khoẻ mạnh, việc học tập mới có thể ngày ngày một tốt hơn”.
Vậy nên học sinh của tôi luôn cách giữ cho mình một sức khỏe tốt, duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo việc học tập hiệu quả.
Trong giờ dạy, tôi luôn hướng học sinh tới giá trị cốt lõi của giáo dục thể chất và đưa ra những hoạt động trong giờ học sáng tạo, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh đảm bảo chương trình.
Hiện nay, giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, tôi tin chắc rằng thời gian tới quan niệm về môn chính hay phụ sẽ thay đổi vì đó là quan điểm lệch lạc.
Phụ huynh muốn con có sức khỏe, không thể xem nhẹ Thể dục. Các bậc cha mẹ muốn con có tính tự lập phải coi trọng môn môn kỹ thuật và đương nhiên muốn con hiểu lý lẽ, đạo đức, pháp luật phải quan tâm bộ môn Giáo dục công dân.
Như vậy, mỗi môn học đều có những giá trị riêng, góp phần làm hoàn thiện hơn trí tuệ cũng như nhân cách học trò. Vì thế, quan niệm môn chính, môn phụ trong trường học có lẽ đã đến lúc phải được xóa bỏ.
Thầy Nguyễn Anh Tuyên (Giáo viên trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)
Đồng nghiệp dạy thêm 40-50 triệu/tháng, giáo viên môn phụ chạnh lòng
Thầy giáo môn phụ vươn lên sáng tạo không ngừng
Ngôi trường thầy Tuấn gắn bó 17 năm nay có thể gọi là “trường làng” chính hiệu -khi thầy bước chân về chỉ có 1 chiếc máy tính nhưng chẳng ai biết dùng.