“Tôi đã tìm hiểu kỹ về Mường Nhé trước khi lên nhận nhiệm vụ năm 2015 và đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tạo nên luồng sinh khí, xây dựng Đảng vững mạnh để phục vụ nhân dân”, Bí thư huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng chia sẻ với VietNamNet.

Theo ông, Mường Nhé có nhiều bài toán lớn phải giải như xử lý hậu quả của di cư, di dân tự do, đảm bảo an ninh biên giới, nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng.

{keywords}
Bí thư huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng

Ông nhớ như in thử thách đầu tiên tại Mường Nhé khi hơn 200 hộ dân tập trung đông ở khu vực giáp ranh 2 xã Sen Thượng và Sín Thầu. Họ lập lán trại, tuyệt thực yêu cầu chính quyền giải quyết chính sách nhập khẩu.

“Khi ấy tôi mới nhậm chức khoảng 1 tháng. Nghe tin, tôi tức tốc lên đường vào bản và dặn dò cán bộ mua bánh mì, nước lọc mang theo. Khi đối thoại, có một câu hỏi của dân khiến tôi trăn trở - “tôi có phải người Việt Nam không”, ông Sáng nhớ lại.

Khi nghe hết những câu hỏi của người dân, Bí thư Sáng nhận thấy, chính quyền cũng có những thiếu sót, còn thất hứa với dân. Vì không giải quyết vấn đề hộ khẩu, người dân bị phân biệt đối xử, các chính sách, phúc lợi không đến với họ.

“Trước hàng trăm người dân đang đói lả, tôi hứa sẽ giải quyết và khắc phục vướng mắc này, họ tin lời tôi rồi nhận bánh, nước và trở về nhà”, ông Sáng kể.

{keywords}
Mường Nhé cơ bản hoàn thành đề án 79 về sắp xếp dân cư

Sau khi quay về, ông Sáng quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh quá trình nhập hộ khẩu. Kết quả, trong chưa tròn 1 nhiệm kỳ, huyện đã giải quyết nhập hộ khẩu cho hơn 15.000 người với hơn 3.000 hộ.

Câu chuyện gỡ rối về hộ khẩu, theo ông Sáng dó là hệ lụy của việc di cư tự do giai đoạn 2006-2009. Mường Nhé từ xa xưa chỉ có 2 dân tộc chính sinh sống là Hà Nhì và Thái, còn người H’Mông chỉ chiếm 10%.

Sau những cuộc di cư ồ ạt đến đây sinh sống, tỉ lệ người H’Mông lên tới 70%. Nhận thấy những hệ lụy từ việc di cư tự do, chính phủ đã ban hành đề án 79 nhằm sắp xếp dân cư. Năm 2015, tại Mường Nhé có 31 điểm bản cần sắp xếp lại, đến nay về cơ bản đã sắp xếp xong với hơn 1.200 hộ được bố trí ổn định.

“Người H’Mông từ các nơi đến đây chỉ mang theo nồi niêu, dao để phát rừng, sống di canh, di cư. Do đó, áp lực về đói nghèo càng đè nặng lên toàn huyện nếu không giải quyết căn cơ vấn đề”, ông Sáng nói.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn (thứ 3 từ trái qua) cùng Bí thư huyện Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng (thứ 2 từ phải qua) tham quan mô hình trồng mắc ca 

Phải trị “bệnh” nghèo đói

Theo Bí thư huyện Mường Nhé, nguồn cơn của những bất ổn đa phần bắt nguồn từ nghèo đói và nhận thức hạn chế của người dân. Giải quyết vấn đề này sẽ đạt được thành công cho nhiều mặt xã hội ở huyện vùng biên, dân sống ấm no trên chính mảnh đất của mình.

Theo ông Sáng, tập quán canh tác ở Mường Nhé chủ yếu trồng lúa trên nương, đặc biệt là người H’Mông thường di canh, di cư, phá rừng để canh tác.

“Năm 2018, nhiều người H’Mông tại xã Pá Mỳ biểu tình, họ muốn phá rừng làm nương nhưng chính quyền ngăn cấm. Có cán bộ của Sở Nông nghiệp đến cũng bị họ giữ lại, không cho về.

Tôi đến tận nơi đối thoại với họ rồi nhận ra, phía chính quyền cũng thiếu sót khi không thực hiện nghiêm chỉnh việc chi trả tiền dịch vụ hỗ trợ bảo vệ rừng, để họ hiểu và nhận thức được lợi ích từ việc bảo vệ rừng.

Phải lên phương án cứu đói cho dân, phải đặt địa vị của mình vào dân để thấu hiểu được nỗi khổ của họ”, ông Sáng chia sẻ.

Việc xóa đói được ông Nguyễn Quang Sáng bắt đầu từ việc phát triển đảng ở cơ sở, ông đặt mục tiêu phải xóa những bản trắng (bản không có đảng viên) theo nghị quyết của tỉnh.

{keywords}
Buổi họp tại chi bộ A Pa Chải (xã Sín Thầu)

“Các bản trắng không có chi bộ sẽ tạo nên khoảng trống chính trị, không có người lãnh đạo để sâu sát tình hình và thông qua những chính sách của Nhà nước.

Đảng viên ở vùng biên có vai trò rất quan trọng, họ có nhiệm vụ đi sâu, sống cùng dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng nhân dân. Đảng viên cơ sở sẽ trực tiếp hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh”, lời ông Sáng.

Từ tư tưởng đó, Huyện ủy Mường Nhé đã có những nghị quyết giao cho chính những tổ chức đảng, các đảng viên tiên phong trong việc triển khai các mô hình kinh tế làm gương để người dân soi vào và tạo động lực, không khí hăng say thi đua lao động.

Ông cho biết, huyện thu hút đầu tư dự án trồng hơn 10.000ha cây mắc ca và hơn 1.000ha cây cao su. Riêng với dự án trồng cây mắc ca, ông Sáng kỳ vọng, sẽ giải quyết việc nâng cao thu nhập cho dân và phủ xanh đất trống đồi trọc.

{keywords}
Khu vực trồng mắc ca ở Mường Nhé

“Chúng tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, với cây mắc ca sau khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch, vòng đời 80 năm.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1ha trồng được khoảng 280 cây mắc ca, mỗi ha năng suất thấp nhất khoảng 1 tấn quả, với giá bán trung bình 120.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng”, ông Sáng lạc quan.

Với những cố gắng toàn diện, trong thời gian ông làm bí thư, huyện Mường Nhé giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 97% xuống còn hơn 60%.

“Nhất Điện Biên Phủ, nhì sẽ là Mường Nhé”

Theo ông Sáng, ở Mường Nhé còn nhiều vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Đặc biệt là vấn đề di cư tự do, quản lý sinh hoạt tôn giáo và chống tà đạo mà các thế lực chống phá truyền bá vào huyện.

Ông tâm sự, ngày xưa khi vào huyện, với nhiều khó khăn trước mắt, ông tự nhủ bản thân rằng, chuyến đi này phải “bình định” bằng được Mường Nhé.

“Cá nhân tôi thấy, công việc của nhiệm kỳ vừa qua là khổng lồ, xử lý tất cả vấn đề của Mường Nhé rất căng thẳng”, ông nói.

{keywords}
Cột mốc số 0 ở xã Sín Thầu giáp ranh 2 nước Trung Quốc và Lào

Bí thư Mường Nhé lạc quan, trong tương lai, Mường Nhé hội tụ nhiều yếu tố, thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực A Pa Chải, xã Sín Thầu.

“Chúng tôi sẽ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu A Pa Chải. Việc này sẽ tạo động lực cho không chỉ Mường Nhé mà cả tỉnh Điện Biên trong giao thương, phát triển dịch vụ với nước láng giềng”.

Ông Sáng đặt mục tiêu: “Ở Điện Biên, nhất là thành phố Điện Biên Phủ, nhì phải là Mường Nhé, dù bây giờ rất khó khăn nhưng tương lai chắc chắn sẽ làm được”.

Đoàn Bổng

 

Từ 'vương quốc' đến 'nhà nước H'Mông' bị đập tan ở Điện Biên

Bài 1: Từ 'vương quốc' đến 'nhà nước H'Mông' bị đập tan ở Điện Biên

 Khoảng 7.000 người dân tộc H’Mông kéo lên xã Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên) để chờ giây phút "vua Mông” từ trên trời xuất hiện, ban phát những điều tốt lành.