* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Tôi có theo dõi phim Đi giữa trời rực rỡ dù không chi tiết. Vì có ít thời gian nên thi thoảng tôi chỉ lướt qua các trích đoạn ngắn của phim hiện trên trang mạng xã hội. Nhưng thấy ai cũng tò mò bàn tán, các trích đoạn thường có lượng xem lớn nên tôi dành sự quan tâm nhất định đến các chủ đề liên quan đến Đi giữa trời rực rỡ.
Sáng nay đọc bài viết của bạn Phương Nga tôi vô cùng khó chịu vì cách đặt vấn đề rất khiêu khích và thách thức dư luận. Một bộ phim làm ra là dành cho khán giả. Vậy thì khán giả có quyền khen và chê, thể hiện cảm nhận và suy nghĩ của mình về tình huống phim, về diễn viên và vai diễn của họ. Diễn viên là nghề làm dâu trăm họ nên các bạn phải chấp nhận tiếng chê đi đôi với lời khen. Tất nhiên, sự khen chê đều phải có giới hạn, đừng lẫn lộn giữa nhân vật và diễn viên là được.
Tuy nhiên, đúng như bạn Phương Nga dẫn chứng, chênh lệch chiều cao giữa Thu Hà và bạn diễn Long Vũ sao có thể bằng sự chênh lệch chiều cao giữa Hoàng Hà và Quốc Anh của Chúng ta của 8 năm sau nhưng người xem không hề cảm thấy khó chịu khi hai diễn viên này đối thoại với nhau.
Vì thế, cái vẻ mặt "câng câng" của Pu mỗi khi nói chuyện với Chải cần thay đổi để không làm người xem khó chịu. Khán giả góp ý là có lý của họ. Ê-kíp sản xuất cũng nên có biện pháp cho nữ chính không phải ngước mặt lên mỗi khi thoại với nam chính như kê ghế cho cô đứng lên chẳng hạn, miễn không để lọt hình ảnh đó vào khung hình.
Tôi cũng đồng tình với không ít nhận xét chính xác của bạn Phương Nga rằng nhân vật Pu quá sắc sảo, thậm chí khôn lỏi, thực dụng, không như tôi hình dung về những cô gái người dân tộc vùng cao. Tuy vậy, điều tôi khó chịu lại không nằm ở Pu mà là hai nhân vật mới xuất hiện gần đây ở bối cảnh thành phố. Đó là hai bạn cùng phòng trọ với Pu.
Có lẽ vì muốn lôi kéo khán giả các vùng miền khác nên đạo diễn cố nhồi vào hai nhân vật nói giọng miền Trung và miền Nam. Tôi không rõ nhân vật Lê có nói chuẩn giọng quê mình hay không nhưng thấy thực sự khó nghe. Nhiều người miền Trung tôi biết lên Hà Nội học và làm việc thường có cách điều chỉnh thành giọng Hà Nội cho dễ giao tiếp.
Trong khi Lê đã học đại học 4 năm ở Hà Nội rồi mà giọng vẫn đặc vùng miền, mỗi lúc cô này cất tiếng là tôi phải căng tai nghe và luận xem nhân vật nói gì. Chưa kể, Lê được xây dựng như một cô nàng quá thực dụng, là sinh viên kinh tế thì dứt khoát mọi thứ cứ phải quy ra tiền như thế sao, từ cốc nước cam đến cuộc điện thoại?
Còn nhân vật Như hiện lên quá rõ là một cô nàng xấu tính mê trai rồi. Tuy nhiên, tôi thấy diễn viên đóng vai Như quá nhạt, vênh với các bạn diễn khác trong phim khiến Đi giữa trời rực rỡ mấy tập gần đây giảm hẳn sức hút.
Nhân vật khiến tôi thích thú nhất vẫn là Chải - một cậu bé nhiệt tình, dễ thương và hài hước. Chải được yêu mến, tôi nghĩ cũng là vì là tuýp nhân vật khá lạ chưa từng xuất hiện trên truyền hình. Chưa kể, Chải còn có phong cách và lời thoại bắt trend giới trẻ hiện nay.
Nhân vật này thành công đến thế chắc chắn là vì diễn viên Long Vũ diễn quá hợp vai và duyên dáng. Cũng dễ hiểu khi Chải chiếm spotlight tất cả các tập phim Đi giữa trời rực rỡ đã lên sóng và cũng là yếu tố thu hút khán giả. Mong rằng Chải sẽ giữ chân được khán giả cho đến tập cuối cùng.
Rất nhiều bộ phim Việt đã lâm vào cảnh "đầu voi đuôi chuột", chỉ thu hút được ít tập đầu rồi càng ngày càng đuối. Tôi nghe nói Đi giữa trời rực rỡ cũng dài cả trăm tập nên đâm lo. Chưa biết các nhà làm phim có đủ "vốn" để thuyết phục người xem trong dăm bảy chục tập phim sắp tới không?
Toan Nguyễn
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!
Ảnh, clip: SK