Cán bộ có năng lực yếu, không thực hiện được công việc của mình, có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức... là thực tiễn được Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM (KHCN) Nguyễn Việt Dũng nêu ra tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ sáng 18/3.
Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh rằng ngoài việc tuyển dụng, Sở Nội vụ có nghĩa vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính quyền.
Ông Dũng nêu thực tiễn hiện nay, công chức của thành phố khá yếu trong thực hiện công việc. Đa số không biết hoặc không dám viết kế hoạch, đề án, người làm được thì chất lượng cũng không tốt.
Trước thực tế này, ông Dũng đề nghị Sở Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức. Theo ông, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tuyển công chức qua thi tuyển quốc gia, nhưng sau thi tuyển, họ không làm việc ngay mà được tham gia một lớp đào tạo 3-6 tháng tại trường hành chính quốc gia để học cách làm công chức.
"Tôi đề nghị quy trình tuyển dụng của mình không nên chỉ tập trung chuyên môn. Kiến thức chỉ một phần, quan trọng là kỹ năng và tư duy. Tức là, khi gặp thách thức thì phương pháp luận trong giải quyết vấn đề thế nào. Cái quan trọng nhất hiện nay với người lao động là phương pháp luôn tự học để thích nghi cái mới", ông Dũng kiến nghị.
Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng. |
Giám đốc Sở KHCN cũng nêu vấn đề về tính hiệu quả của các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chức. Ông cho biết sau khi cán bộ được đi học về kinh tế số - kinh tế tuần hoàn, ông hỏi chuyển đổi số nên bắt đầu tư đâu, cán bộ không trả lời được và chia sẻ khi đi học giáo viên chỉ "dạy chung chung".
Ông Dũng còn đề nghị Sở Nội vụ nên xem lại việc đào tạo tiến sĩ cho công chức.
"Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học", ông Dũng nêu thực tế.
Ủng hộ đề xuất của Giám đốc Sở KHCN, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng khi tuyển đầu vào thì chủ yếu quan tâm thuần chuyên môn, nhưng cũng cần đào tạo thêm. Là người trưởng thành từ đại học, ông Phong cho biết bản thân ông đã tích lũy và học tập được rất nhiều qua thực tiễn tại cơ sở.
"Mình thấy từ môi trường đào tạo cơ sở làm cho mình trưởng thành, lớn lên rất nhiều vì phải đối mặt với khó khăn. Nhưng khi đối diện với vấn đề khó khăn là mình ngã quỵ thì không bao giờ có thể lớn lên được", ông Phong nhận định.
Cán bộ TP.HCM cần được nâng cao năng lực phù hợp với công việc. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Phong cho biết thêm năm 2018, ông đã làm việc với Đại học Fulbright qua Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ và đề nghị phối hợp, đào tạo cho thành phố 20 cán bộ là lãnh đạo sở. Trường sẽ hỗ trợ học phí, còn chi phí ăn ở, thành phố tự lo. Ông cho biết Đại học Fulbright đã tiếp xúc với lãnh đạo thành phố để tìm hiểu về mục tiêu phát triển, trên cơ sở đó biên tập bài giảng nhằm đảm bảo chương trình dạy có giá trị thực tiễn.
Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng hiện nay, nhiều chương trình cán bộ đi học hoàn toàn không thể áp dụng được với thành phố. Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Nội vụ phải ký chương trình phối hợp với Học viện Cán bộ TP.HCM để đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng hơn.
Theo zingnews.vn
Tiến sĩ có 15 bằng sáng chế Mỹ: 'Đừng hỏi làm gì để có mức lương nghìn đô'
Khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, TS Công thường nhận được câu hỏi: “Làm gì để ra trường đạt mức lương 2.000 hay 10.000 USD?”. Anh cho rằng, thay vì đặt câu hỏi đó, hãy nghĩ đến việc làm thế nào để nâng giá trị bản thân.
Tiến sĩ du học nước ngoài về làm hiệu trưởng ngôi trường 'dưới đáy'
Với bản lý lịch khoa học khá ấn tượng, TS Trương Đình Thăng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi biết nơi công tác của anh hiện nay là Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị.