Bài toán đảm bảo ổn định năng suất, nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra cho cây tỏi và nâng cao thu nhập cho nông dân đang cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành liên quan.
Vụ Đông Xuân 2021-2022, gia đình bà Phạm Thị Liên, ở thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trồng 3 sào tỏi. Tiền đầu tư giống, phân bón, thuốc, đất cát… gần 40 triệu đồng nhưng thu hoạch mỗi sào chỉ được mấy chục ký. Mấy năm trước có vụ trung bình mỗi sào, gia đình bà Liên thu hoạch từ 500 - 700 kg tỏi nhưng vụ này, năng suất giảm chưa từng có.
“Tỏi năm nay mất mùa nhiều. Có người mất trắng không thu hoạch được, có người ít thì được chục ký, có người trăm ký chứ không được nhiều" - chị Liên chia sẻ.
Bà Trần Thị Nhân, ở thôn Đông An Vĩnh cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết đầu vụ và cuối vụ, cây tỏi kém phát triển. Nhiều đồng tỏi héo rũ, thân cây còi cọc, chết dần… Tỏi mất mùa đã đành nhưng điều lo nhất của bà con nông dân Lý Sơn hiện nay là chất lượng và nguồn tỏi giống cho vụ sau.
Theo bà Nhân: “Năm nay tỏi củ nhỏ quá không để làm giống được. Nhiều người bán để mua tỏi to làm giống nhưng cũng không có. Bây giờ phải tận dụng lấy tỏi này làm giống”.
Cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 Âm lịch là thời điểm nông dân huyện Lý Sơn thu hoạch tỏi. Khác với mọi năm, không khí trên đồng tỏi năm nay trầm lắng. Giá tỏi hiện tại cũng giảm sâu so với mọi năm, chỉ từ 40 ngàn đến 50 ngàn đồng một ký. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách du lịch ra đảo chưa đông nên nguồn thu của người trồng tỏi cũng giảm sút nhiều.
Mấy mươi năm trồng hành tỏi nhưng chưa vụ nào ông Lê Văn Hoà, ở thôn Đông An Hải lo lắng trước tình cảnh tỏi mất mùa lại mất giá thảm hại như năm nay.
“Mấy năm trước cũng có những năm được mùa, năm mất mùa nhưng năm nay là trường hợp đặc biệt. Năm nay cũng chăm bón như vậy nhưng giai đoạn cuối gần thu hoạch thì cây tỏi rút lại, từ đó dẫn đến củ tỏi không phát triển. Tỏi mất mùa sẽ thiếu hụt cho vốn tái sản xuất, sinh hoạt đời sống. Nói theo nhà nông chúng tôi là cũng cào qua, sớt lại" - ông Hòa chia sẻ.
Vụ tỏi 2021-2022, nông dân huyện đảo Lý Sơn trồng hơn 320 ha. Năng suất, sản lượng tỏi thu hoạch giảm nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỏi mất mùa lại mất giá, đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho chính quyền địa phương và các ngành liên quan. 13 năm kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đến nay tỏi Lý Sơn vẫn còn lao đao.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, địa phương đang nỗ lực nâng tầm giá trị sản phẩm tỏi Lý Sơn, đảm bảo nguồn thu nhập cho nông dân. “Đối với Lý Sơn, nông nghiệp là ngành huyện rất quan tâm, đặc biệt là cây tỏi. Chúng tôi đã chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển tỏi Lý Sơn theo hướng sản xuất sản phẩm sau thu hoạch. Chúng tôi đã triển khai quy trình hướng tới sản xuất nâng cao giá trị cây tỏi, giúp cho người dân tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa"./.
Một số hình ảnh về tỏi Lý Sơn mất mùa:
(Theo VOV)
Việt Nam chi 60 triệu USD mua tỏi Trung Quốc
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu lượng rau quả ước đạt 1,201 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2020.