Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138 (phòng chống tội phạm) và 389 (chống buôn lậu và gian lận thương mại) quốc gia hôm qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an phân tích rất kỹ về tình hình của từng loại tội phạm và đề ra nhiều giải pháp để kéo giảm tội phạm.
Tội phạm đang chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng
Đề cập đến tội phạm trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý coi đây là thách thức lớn nhất hiện nay, không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới.
“Trên thế giới thực có loại tội phạm gì, trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm đó. Tội phạm đang chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng”, ông nhận định.
Bộ trưởng Tô Lâm: Các trại giam của Bộ Công an đang quản lý khoảng 500 tội phạm là người nước ngoài. Ảnh: CAND |
Theo Đại tướng, phức tạp nhất liên quan đến tội phạm gián điệp mạng, tấn công mạng, tung tin giả, tuyên truyền xuyên tạc bôi nhọ nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, xâm phạm bí mật đời tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán vũ khí, cờ bạc, cá độ bóng đá...
Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, rất cần sự phối hợp của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị, đồng bộ với các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và DN, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật trọng tâm là thực hiện luật An ninh mạng...
Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công an trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cảnh báo, tình trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam tăng trên nhiều lĩnh vực như tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, mại dâm, buôn bán người, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của.
Hiện trong các trại giam của Bộ Công an đang quản lý khoảng 500 tội phạm là người nước ngoài của 25 nước trong khu vực.
"Lực lượng công an đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường các giải pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra và đạt được kết quả tích cực", Bộ trưởng Công an cho hay.
Theo Bộ trưởng, công tác quản lý người nước ngoài liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ ngành khác nhau. Tuy nhiên nhiều bộ ngành, UBND các địa phương chưa xác định rõ trách nhiệm của mình, chưa quan tâm đúng mức, thậm chí coi nhẹ công tác quản lý người nước ngoài.
Cần có những giải pháp mạnh với người nghiện
Bộ trưởng Công an cũng cảnh báo: "Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm". Khi đối tượng nghiện ma túy đã lên cơn nghiện thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để có ma túy sử dụng.
"Điều đáng lo ngại hiện nay là số lượng người nghiện ma túy ở nước ta tiếp tục gia tăng, mỗi năm khoảng 5.000 người. Một phần lớn số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội, gây nên sự bất an trong nhân dân", ông nêu thực tế.
Ảnh: VGP |
Đại tướng dẫn chứng vụ đối tượng Hoàng Văn Chín giết 5 người ở Thái Nguyên. Đây là đối tượng nghiện ma túy, đang thực hiện quyết định của UBND xã về việc thực hiện cai nghiện tại gia đình. Việc gia đình quản lý là rất khó khăn.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Tô Lâm, đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa đối với người nghiện. Bộ Công an đã đề nghị Bộ LĐTB&XH tham mưu Chính phủ chỉ đạo tổng kết đánh giá các hình thức cai nghiện hiện nay theo tinh thần chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, từ đó đề xuất các hình thức cai nghiện hiệu quả, nhất là coi trọng hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung.
Trước mắt, Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện đang ở ngoài xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm.
Một loại tội phạm khác được Bộ trưởng Công an lưu ý là tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” như các hành vi thuê người đòi nợ, de dọa đâm chém... Loại tội phạm này đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, nhất là thời điểm gần Tết cũng là lúc tín dụng đen siết nợ, đòi nợ thuê hoạt động nhiều nhất.
Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 23.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó khoảng 40.000 cơ sở có dấu hiệu hoạt động cho vay thế chấp trái phép và 1.500 cơ sở kinh doanh tài chính trái phép dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, hoạt động cho vay qua mạng Internet cũng có thể coi là một biến tướng của tín dụng đen nhưng hiện chưa có hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này...