"4 năm cấp 2 khủng khiếp hơn địa ngục"
Trong những ngày qua, câu chuyện nữ sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng nghi bị bạo lực học đường là tâm điểm chú ý không chỉ của giới học sinh và những người trong ngành giáo dục.
"Đến tận bây giờ, hễ đọc được câu chuyện thương tâm nào đó về những nạn nhân bạo lực học đường, hai mắt tôi cứ tự nhiên cay xé lại, không chỉ bởi tôi thấu hiểu quá rõ những thống khổ họ đã trải qua. Hơn thế, ký ức về 4 năm cấp 2 kinh hoàng lại lần lượt hiện về trong tâm trí, rõ mồn một" - anh Lê Việt Hà (tên đã thay đổi), 27 tuổi, đang học tập tại Hoa Kỳ, trải lòng.
Chia sẻ lại ký ức không thể quên, anh Hà cho biết từng học cấp hai ở lớp chọn của một trường chuyên Hà Nội.
"4 năm học cấp 2, có lẽ lớp 9 là khoảng thời gian đáng nhớ nhất", “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”… mỗi lần đọc hoặc nghe những khẩu hiệu này ở đâu đó, tôi chỉ biết cười khẩy.
Nếu như có một nơi nào đó còn bi thảm, còn khủng khiếp hơn tầng cuối cùng của 9 tầng địa ngục, 4 năm cấp 2 của tôi có lẽ sẽ thuộc về nơi đó".
"Với một đứa siêu hướng nội, học lực các môn cũng làng nhàng không quá giỏi, may ra chỉ khá khẩm mỗi tiếng Anh và một chút Lịch sử, việc phải liên tục vắt chân lên cổ, cày ải bài vở suốt ngày đêm để đuổi kịp điểm số của 60 học sinh đều thuộc dạng "rich kids", "con nhà người ta theo cả 2 nghĩa" đã thực sự là một cực hình với tôi.
Đằng này, tôi còn liên tục phải hứng chịu 7749 thủ đoạn bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần từ chính 60 con người đó. Bất kỳ hình thức bạo lực học đường nào tôi đều đã trải qua gần hết. Từ hình thức thô thiển như đá, đấm, túm tóc, nhổ vào mặt, đá vào hạ bộ ngay giữa lớp, trấn lột sách vở, đồ dùng học tập... đến tinh vi hơn như cô lập với lớp, không cho học nhóm, không cho ngồi chung bàn học, thậm chí còn cấu kết với học sinh các lớp bên cạnh để tẩy chay hội đồng..." - anh Hà chia sẻ.
Lý do của sự bắt nạt kéo dài này, anh Hà nhận định: "Tôi chỉ nghĩ là những "bạn" cùng lớp đó học giỏi hơn, cao to hơn, thích nghi tốt hơn nên họ có quyền trấn áp những ai học không giỏi bằng và có những mặt yếu thế hơn. Tôi nghĩ đó là tâm lý chung của không ít những học sinh lớp chuyên, không ra mặt thì cũng ngấm ngầm".
Về sự phản kháng, anh Hà cho biết từng bỏ hơn một năm trời học võ ở trường Thể thao 10/10. "Nhưng với một đứa con trai thuộc dạng thấp bé nhẹ cân nhất lớp, việc tay bo với những đứa cao to hơn, tỷ lệ xương cứng hơn và sải tay hơn không khác gì lấy trứng chọi đá. Mình đánh một lần, chúng nó sẽ đánh trả lại 10 lần.
Còn việc chuyển lớp tại một ngôi trường có độ phân hóa khủng khiếp giữa lớp thường và lớp chuyên cũng không khác gì "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".
Chuyển trường càng không thể vì cả nhà tôi đều ý thức về việc đã đánh đổi nhiều thứ để có thể vào học một trường cấp 2 công lập thuộc top đầu, nên tôi cũng chỉ biết cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt".
Nhìn lại quãng thời gian đó, anh Hà nói anh vẫn có phần may mắn hơn một vài trong số những người bị bạo lực học đường, khi hồi đó, vẫn tìm được một số điểm tựa tinh thần nhỏ nhoi là anh gia sư Tiếng Anh và 1, 2 người bạn khác lớp, là nhạc Rock với những band như Linkin Park...
"Chí ít gia đình vẫn làm hết sức có thể để bảo vệ tôi, như mẹ tôi dù bận đến mấy vẫn cố đăng ký vào ban phụ huynh của lớp. Mẹ nhiều lần lên tiếng với giáo viên chủ nhiệm về tình trạng của tôi cả trong lẫn ngoài các cuộc họp phụ huynh.
Thật ra, cô giáo chủ nhiệm lớp cũng ý thức được sự việc, nhưng cô cũng không dám hành động quá quyết liệt vì lớp đã đông, học sinh lại toàn rich kids, con ông cháu cha, nhà cũng không có gì khác ngoài điều kiện, hiệu trưởng động vào còn khó nữa là giáo viên. Cái này mình có thể thông cảm".
Một may mắn nữa, anh Hà nhận định, có thể một phần do ngày đó thời gian vào Internet của anh trong một tuần ở nhà còn ít hơn thời gian ra chơi trong một ngày ở trường, nên vẫn chưa bị những thứ độc hại trên không gian mạng tác động, làm cho mụ mị đầu óc...
Hồi đó, suy nghĩ điên rồ nhất của anh Hà chỉ là "bỏ nhà đi bụi" và chưa bao giờ dám làm điều đó.
"Nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể quên được ký ức về những "bạn học" ngồi chung bàn. Hễ tôi được xếp ngồi chỗ nào, những đứa xung quanh sẵn sàng tra tấn tinh thần bằng cách soi từng hành vi, từng điệu bộ của mình rồi cứ thế quấy rối sau lưng suốt từ đầu đến cuối buổi học.
Tôi cũng sẽ không bao giờ quên được những "hung thần" ngồi bàn dưới cùng, mỗi lần lảng vảng qua chỗ tôi là bọn nó lại ngứa mắt tát vào gáy, đạp chân vào ống đồng, huých cùi chỏ vào thái dương hay thậm chí đập đầu tôi xuống mặt bàn gỗ dày 2 phân đến suýt gãy kính chỉ vì "trông mày đeo kính nhìn ngu".
Đỉnh điểm là khi bọn chúng công khai trấn bộ bài Yugi-Oh! bản thân tôi quý như vàng ngay giữa lớp, một nửa đem chia chác với nhau và nửa còn lại đem xé thành vụn rồi vứt ra sân bóng sau trường. Đã thế, chúng còn trơ trẽn hét vào mặt chủ nhân bộ bài đang gào khóc đòi trả trong tuyệt vọng: "Tao không trả đấy, mày làm gì được tao!"...
"Con tôi sẽ không phải trải qua những khiếp sợ như mẹ nó đã từng"
Đây là mong muốn và cũng là mục tiêu mà chị Nguyễn Xuân Hồng (Hà Nội) hướng tới. Chị Hồng cho biết trong một quãng thời gian những năm học lớp 5, khi tan học, chị từng rất lo sợ bởi một nhóm học sinh nam cùng lớp liên tục chặn đường đón đánh.
"Khi đó, tôi học tại một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng. Là "trường làng", lại học lớp thường, nên học sinh học khá kém và rất nghịch. Tôi là lớp trưởng, được cô giao nhiệm vụ báo lỗi của các bạn trong lớp. Với những bạn quá nghịch, cô mời phụ huynh. Chắc chắn rằng sau khi phụ huynh lên gặp cô, các bạn đó về lại bị "ăn đòn", đâm ra thù tôi" - chị Hồng kể lại.
Một nhóm bạn nam khi đó đã tìm cách trả thù chị Hồng bằng việc thường xuyên chặn đường đón đánh.
"Tôi nhớ khi đó từ trường tôi có 3 ngả đường để về nhà, nên mỗi khi tan học, tôi lại phải "phán đoán" hoặc nhờ một vài người bạn lén xem các bạn nam kia chặn ở ngả nào để tránh. Thật sự số lần bị đánh rất ít, nhưng việc phải tránh né làm tôi luôn lo sợ và căng thẳng".
Chị Hồng bảo khi đó, vì không muốn bố mẹ lo lắng nên chị đã không kể chuyện này. Mỗi khi bị "tóm" và bị đánh, hôm sau tôi lại đến mách cô giáo, cô lại mắng hoặc mời phụ huynh các bạn đó và cái vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại...".
"Tình trạng này chỉ kết thúc sau một lần tôi bị các bạn đó rình được, xô thụt chân xuống cống. Tôi đã khóc ầm ĩ trên đường về, các bạn đó theo tôi về tận nhà để... xin lỗi. Hôm sau, cô giáo biết chuyện cũng "xử" một trận ra trò. Nhưng sau lần đó, chúng tôi làm hòa".
Chuyện đã lâu, không còn chút thù hận nào nhưng chị Hồng nói: "Tôi không bao giờ quên ký ức đó". Chính vì vậy, ngay khi sinh con gái, chị đã xác định luôn là sẽ ưu tiên cho bé đi học võ sớm.
"Trong hành trang vào đời của con, tôi sẽ trang bị không chỉ là thơ văn, nhạc họa, ngoại ngữ, trước hết là những kỹ năng phòng bị để con không phải trải qua những khiếp sợ như mẹ nó đã từng" - chị Hồng khẳng định.