Zing trích dịch bài đăng trên The Guardian, kể về bi kịch của Hayley Tillotson khi dành toàn bộ tiền tiết kiệm trong 4 năm để mua nhà ở chung cư St George, trung tâm thành phố Leeds, Anh.
Cầm trên tay chìa khóa căn hộ 1 phòng ngủ ở trung tâm thành phố Leeds vào tháng 4/2019 là khoảnh khắc đáng tự hào nhất trong cuộc đời tôi. Suốt 4 năm trước đó, tôi làm việc chăm chỉ, gửi tiết kiệm 10.000 bảng Anh từ tiền lương cho vị trí quản lý nhân viên marketing và PR.
Vừa độc thân trở lại, tôi mường tượng cuộc sống của mình sẽ là chuỗi ngày rong chơi ở Leeds, gặp gỡ mọi người và tận hưởng tuổi đôi mươi. Thật tự do!
Tậu được nhà riêng ở tuổi 28 là điều có ý nghĩa rất lớn đối với tôi và gia đình. Bố tôi là thợ điện nghỉ hưu, còn mẹ là trợ lý hành chính. Không có gia đình khá giả hậu thuẫn, tôi tự chắt bóp và mua căn hộ 102.000 bảng Anh thông qua chương trình nhà ở giá rẻ, nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Theo các điều khoản trong thỏa thuận, tôi không được phép cho thuê hoặc bán căn hộ cho người khác bằng hình thức thanh toán tiền mặt. Tuy nhiên, điều này dường như không thành vấn đề vào thời điểm đó.
Hayley Tillotson khủng hoảng khi chứng kiến tài khoản ngân hàng của mình cạn kiệt đến từng xu. Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian. |
Ác mộng
Sáu tháng sau khi chuyển đến nhà mới, tôi nhận được lá thư từ Dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ Tây Yorkshire. Họ nói rằng mái nhà của tôi được bao phủ bởi lớp ốp nguy hiểm, tương tự vật liệu được sử dụng trên tháp Grenfell.
Quá trình kiểm tra thêm còn phát hiện vấn đề với lớp gạch bên ngoài, vật liệu cách nhiệt dễ cháy, ban công bằng gỗ và nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Khi nhận được thư, tôi vừa mua tủ lạnh và sofa mới. Trước đó, tôi nghĩ mình sẽ tận hưởng cuối tuần ở trung tâm thành phố và nhâm nhi cocktail. Nhưng sự thật là tôi nhốt mình trong căn hộ, khóc lóc và cố gắng tìm hiểu về vấn đề hỏa hoạn.
Do tòa nhà không đảm bảo an toàn, ban quản lý thuê người tuần tra 24/7 để đề phòng cháy nổ. Các cư dân phải trả tiền cho dịch vụ này, dù đó không phải là lỗi của chúng tôi. Mọi người mua căn hộ ở đây một cách thiện chí, nhưng có vẻ các quy định của tòa nhà đã bị thay đổi từ trước.
Chi phí cho dịch vụ tuần tra tòa nhà là 300 bảng/tháng, tương đương khoản thanh toán thế chấp của tôi. Tôi không đủ khả năng chi trả, nhưng cũng chẳng được phép cho thuê lại căn hộ và chuyển về sống nhờ bố mẹ.
Tôi chỉ được bán cho người khác trong cùng chương trình mua nhà giá rẻ. Thế nhưng ai có thu nhập thấp đời nào lại mua căn hộ với các khoản phụ phí cao ngất trời?
Tôi đã bị mắc bẫy. Sức khỏe tinh thần của tôi giảm mạnh.
Hayley Tillotson cùng các cư dân của chung cư St George cảm thấy mình bị lừa dối. Ảnh: YorkshirePost. |
Ngoài khoản phí trên, tôi hy vọng có tiền để thay thế lớp ốp trên mái nhà. Mặc dù ban quản lý tòa nhà có thể xin trợ cấp từ chính phủ để loại bỏ lớp ốp nguy hiểm, quỹ thực tế không đủ lớn để chi trả cho tất cả dịch vụ sửa chữa.
Tôi cũng phải thanh toán 1.400 bảng cho hệ thống báo cháy mới và các hóa đơn cho nhiều vấn đề hỏa hoạn khác.
Tôi phải tự chi tiền để sửa chữa căn hộ của mình, chứ không phải công ty xây dựng hay chính quyền đã phê duyệt quy định xây dựng nơi này dù không hề đảm bảo an toàn.
Tôi đã làm mọi thứ trong khả năng để tránh bị vỡ nợ. Tôi phải chứng kiến tài khoản ngân hàng của mình cạn kiệt đến từng xu.
Tôi cố tỏ ra lạc quan, tự nhủ mọi người sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ của chính phủ. Nhưng tôi không đủ khả năng tiếp tục trang trải các khoản thanh toán hàng tháng. Tôi đã hết tiền và thời gian. Tháng trước, tôi tuyên bố vỡ nợ.
Ngày 17/12/2020, tôi trả lại chìa khóa căn hộ. Cùng ngày, chính quyền thông báo khoản phí mới để trang trải dịch vụ tuần tra, đảm bảo an toàn cho tòa nhà. Như nhận cái tát vào mặt, tôi dọn đến ở với bố.
Tôi lo sợ vỡ nợ đồng nghĩa với việc mình sẽ không bao giờ có thể độc lập về tài chính. Giờ tôi không có tài khoản ngân hàng bình thường và phải vật lộn để có thể vay tiền mua xe hơi.
Thêm vào đó, tôi phải trả tiền để được tuyên bố vỡ nợ: 6.000 bảng cho dịch vụ của chính phủ, phí quản lý 1.990 bảng và phí đăng ký 680 bảng. Tôi phải vay toàn bộ từ bố.
Tôi biết mình không hề đơn độc. Ước tính khoảng 700.000 người Anh đang sống trong những căn hộ có tấm ốp dễ cháy. Nhiều người trong số họ phải tự trả tiền để sửa chữa tòa nhà mà không có sự tài trợ từ chính phủ.
Tuy nhiên, tôi không giỏi xoay xở. Tôi cảm thấy bất lực. Có những ngày tôi không thể tìm ra lối thoát cho mớ hỗn độn này.
Tôi không ngạc nhiên khi tổ chức Action Cladding của Vương quốc Anh phát hiện rằng 23% người gặp vấn đề với tấm ốp mái muốn tự tử hoặc có suy nghĩ về việc tự làm hại bản thân.
Căn hộ mơ ước đã hủy hoại cuộc đời tôi. Nó khiến toàn bộ thời gian tôi dành để tiết kiệm tiền trong những năm tháng đôi mươi trở nên vô nghĩa. Tương lai có vẻ ảm đạm.
(Theo Zing)