Trong báo cáo công bố lúc 6h giờ GMT (13h giờ Việt Nam) ngày 15/4, Bộ Quốc phòng Anh cho hay, phía Nga đã thừa nhận tàu tuần dương Moskva lớp Slava của họ đã bị chìm. Là soái hạm trong Hạm đội Biển Đen Nga, tàu Moskva đóng vai trò then chốt, vừa như một tàu chỉ huy, vừa như một nút phòng không.
Video soái hạm Moskva bốc cháy
"Chiến hạm có từ thời Liên Xô này là một trong 3 tàu tuần dương lớp Slava duy nhất của Hải quân Nga. Được biên chế hoạt động lần đầu tiên vào năm 1979, Moskva đã hoàn thành một đợt tái trang bị mở rộng để cải thiện khả năng và chỉ mới khôi phục trạng thái hoạt động vào năm 2021. Sự cố này đồng nghĩa Nga hiện phải chịu tổn thất đối với hai khí tài hải quân quan trọng kể từ khi tiến đánh Ukraine, trong đó sự cố đầu tiên liên quan đến tàu đổ bộ Saratov lớp Alligator của Nga vào ngày 24/3. Cả hai sự cố nhiều khả năng sẽ khiến Nga phải xem xét lại tư thế hải quân ở Biển Đen”.
Trước đó, đài RT dẫn thông báo ngày 14/4 của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, tàu Moskva bị chìm trong khi đang được kéo vào cảng Crưm để sửa chữa, giữa lúc biển có bão. Quân đội Nga nói, thân tàu đã bị hư hại do vụ nổ kho đạn, vốn bắt nguồn từ một đám cháy trên chiến hạm trước đó một ngày. Toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn đã được sơ tán khỏi tàu.
Tuy nhiên, Kiev tuyên bố, các lực lượng Ukraine đã dùng tên lửa chống hạm để tấn công tàu Moskva.
Theo trang Naval News, lúc gặp nạn, tàu tuần dương này đang chở theo 16 tên lửa diệt hạm P-1000, 64 tên lửa phòng không S-300F cùng nhiều ngư lôi và tên lửa chống ngầm.
EU ngưng bán vũ khí cho Nga
Reuters trích dẫn lời các quan chức giấu tên tiết lộ, sau lời kêu gọi của Ba Lan và các nước vùng Baltic, Liên minh châu Âu (EU) đã ngấm ngầm xóa bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt, vốn từng cho phép các nhà sản xuất vũ khí của khối làm ăn với Nga.
Brussels đã ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí và đạn dược sang Nga vào tháng 7/2014, sau khi bán đảo Crưm sáp nhập vào nước này. Tuy nhiên, một điều khoản của lệnh cấm cho phép tiếp tục thực hiện các giao dịch được ký kết trước tháng 8/2014.
Các nhà sản xuất vũ khí Pháp và Đức đã tận dụng "lỗ hổng" nói trên để thu lợi hàng triệu Euro. Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, các nước thành viên EU đã bán cho Nga số vũ khí và đạn dược trị giá tổng cộng 39 triệu Euro trong năm 2021, tăng so với mức 25 triệu Euro năm 2020.
Các nguồn tin ngoại giao nói, tuần trước, các chính phủ EU mới nhất trí loại bỏ điều khoản miễn trừ sau những lời chỉ trích mới từ Ba Lan và Lithuania. Quyết định không được đề cập đến trong các tài liệu công bố ngày 8/4 về gói trừng phạt thứ 5 của liên minh chống Moscow.
Phát ngôn viên cho phái đoàn Lithuania tại EU lưu ý, các nước thành viên liên minh vẫn có thể gửi vũ khí do Nga sản xuất tới xứ sở bạch dương để sửa chữa và nhận lại sau đó.
Nga dọa tăng tấn công Kiev
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo, nước này sẽ trả đũa các hành động tập kích, phá hoại của lực lượng Ukraine bên trong lãnh thổ Nga bằng cách gia tăng tấn công vào Kiev.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Igor Konashenkov, phát ngôn viên quân đội Nga ngày 15/4 tuyên bố, binh lính nước này đã nhắm bắn 13 cơ sở quân sự ở các khu vực khác nhau của Ukraine qua đêm và hệ thống phòng không S-400 của Nga đã bắn hạ một trực thăng Mi-8 của Ukraine gần Chernigov. Moscow cáo buộc trực thăng này đã oanh kích vào làng Klimovo ở vùng Bryansk của Nga hôm 14/4.
Ông Konashenkov cho biết thêm, một nhóm binh lính Nga và các đơn vị vũ trang thuộc nước Cộng hòa tự xưng Donetsk ở vùng ly khai Donbass, miền đông Ukraine đã chiếm được nhà máy sắt và thép Illich ở thành phố cảng đông nam Mariupol.
Theo RIA, hầu hết Mariupol hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn ở khu vực nhà máy Azovstal, nơi tập trung phần lớn thành viên của trung đoàn Azov theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Ukraine.
Cũng theo hãng tin, ít nhất 2 tên lửa phòng không đã được bắn vào các mục tiêu trên không ở Belgorod, thành phố Nga nằm ở phía đông bắc vùng Kharkiv của Ukraine.
Báo Guardian thừa nhận không thể xác thực độc lập các thông tin do phía Nga đưa ra.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay