Tôn vinh văn hoá và lịch sử Việt Nam trên áo dài
Bộ sưu tập "Thủy phụng tề phi" của nhà thiết kế Trần Thiện Khánh lấy cảm hứng từ hoạ tiết phượng hoàng triều Nguyễn và thuỷ ba thời Lý - Trần để tôn vinh nét đặc sắc trong văn hoá Việt Nam.
Hoạ tiết phượng hoàng được sử dụng nhiều trong trang phục triều Nguyễn, thể hiện sự uy nghi và vương giả. Hoạ tiết thuỷ ba thời Lý - Trần như những làn sóng nước mềm mại, mang đến cảm giác thanh thoát và yên bình. Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh kết hợp chúng đưa lên tà áo dài .
Khi được ứng dụng trên áo dài, hoạ tiết phượng hoàng tôn vinh vẻ đẹp kiêu sa và quyền lực của người phụ nữ. Trong khi đó, hoạ tiết thuỷ ba không chỉ thể hiện sự mềm mại và uyển chuyển như nước mà còn là biểu tượng của sự bình an, hạnh phúc.
Theo nhà thiết kế, sự kết hợp này làm đậm nét nghệ thuật, tôn vinh văn hoá và lịch sử Việt Nam.
"Các thiết kế áo dài không dừng lại ở trang phục mà là sản phẩm mang hơi thở của lịch sử và hồn Việt", Trần Thiện Khánh cho biết.
Ngoài ra, cách phối màu của nhà thiết kế cũng tạo nên điểm nhấn cho bộ sưu tập. Lụa và gấm được khai thác tối đa trên phom dáng truyền thống, xen lẫn chi tiết cách tân ở phần tà kép. Các đường viền áo được làm nổi bật, mang đậm chất áo dài Huế.
Bộ sưu tập "Thủy phụng tề phi" sẽ được trình diễn tại Lễ hội Áo dài ngày 5/7 tới tại Huế.
Trần Thiện Khánh tạo được dấu ấn riêng với phong cách thiết kế áo dài cung đình. Tháng 9/2015, anh giới thiệu bộ sưu tập áo dài tại Anh. Năm 2016, anh tham dự Festival Áo dài ở Huế với bộ sưu tập "Huyền bí phương Đông" lấy cảm hứng từ hoa sen.
Ảnh: Dương Quốc Mẫn
Để áo dài trở thành di sản văn hoá phi vật thể Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Vì thế, nhiều đơn vị, tổ chức, các chuyên gia văn hoá đều đang bàn cách đưa trang phục này trở thành di sản văn hoá.