Đón đoàn tại sân bay, về phía Trung Quốc có Ủy viên Trung ương Đảng, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Vĩ Trung, Thị trưởng thành phố Quảng Châu Tôn Chí Dương, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng cùng một số cán bộ Tổng Lãnh sự quán và bà con cộng đồng tại Quảng Châu.
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ đến dâng hoa, dâng hương mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, thăm di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; hội kiến Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Hoàng Khôn Minh và gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.
Quảng Đông gồm 21 thành phố, trong đó Quảng Châu và Thâm Quyến là những thành phố trung tâm, có nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất Trung Quốc.
Hiện nay, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và Việt Nam có quan hệ thân thiết, chặt chẽ, gắn bó toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại. Tỉnh có khối lượng trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam trong số các địa phương của Trung Quốc, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Năm 2023, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Quảng Đông đạt 48,24 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 22,89 tỷ USD.
Quảng Đông là tỉnh có nhiều thành phố kết nghĩa với các địa phương của Việt Nam như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ…
Thành phố Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, trung tâm kinh tế của đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, đồng thời cũng là động lực xuất khẩu của vùng chế xuất xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc.
Quảng Châu là nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách đây đúng tròn 100 năm (1924-2024), thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản chọn làm điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động cách mạng.
Đây cũng chính là nơi nhiều bậc tiền bối cách mạng Việt Nam từng sinh sống và hoạt động cách mạng, là nơi có những di tích lịch sử cách mạng như nhà lưu niệm Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, mộ Anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Đây cũng chính là nơi tờ Báo Thanh Niên, cơ quan Ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phát hành số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, sau này được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.