Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2023-2028 thu hút sự tham gia của 995 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước.

Đại hội diễn ra từ 25-27/12, tập trung thảo luận và đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong 5 năm tới.

unnamed 6.jpg
 Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự đại hội

Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và tổ chức Hội trong suốt tiến trình lịch sử xây dựng, phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Tổng Bí thư chúc mừng, trân trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của giai cấp nông dân và các cấp Hội nông dân trong cả nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra công tác Hội và phong trào nông dân vẫn chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn tình hình đất nước, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

tong bi thu nguoi nong dan phai la chu the cua phat trien nong nghiep 730.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội 

Hoạt động của các cấp Hội ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều; sự hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh còn thiếu bền vững....

Trong bối cảnh phát triển nền nông nghiệp sinh thái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng người nông dân cần có những thay đổi trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp giảm và già hóa, lao động dư thừa ở đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp. Do đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới và xa hơn nữa.

Tổng Bí thư tha thiết kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội, "tuyệt đối không chủ quan, tự mãn". Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.

Hội Nông sân cần phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức".

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

unnamed 4.jpg
 Đại hội diễn ra từ 25-27/12, tập trung thảo luận và đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong 5 năm tới. 

Tổng Bí thư đề nghị các cấp Hội cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cơ sở.

Cán bộ Hội các cấp nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về hội nhập, hợp tác quốc tế, kỹ năng nghiệp vụ; gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với nghiệp vụ công tác hội nông dân; quan tâm đến đối tượng chi hội trưởng chi hội nông dân, nâng cao chất lượng hội viên.

Tổng Bí thư yêu cầu, tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các cấp Hội làm tốt vai trò là đầu mối, phối hợp tổ chức truyền thông và tham gia tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức tốt cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng, chăn nuôi...

Các cấp Hội cần tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai hiệu quả mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp, nhất là nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hội Nông dân các cấp phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết. Các cấp Hội Nông dân cần chủ động, tích cực tham gia hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế.

Tổng Bí thư cho rằng, cần phát huy vai trò của nông dân trong giới thiệu hàng hóa, nông sản với nông dân các nước. Tổng Bí thư gợi mở: "Thị trường nước ta rộng lớn và quan hệ với các nước trong hợp tác về nông nghiệp còn có thể đẩy mạnh hơn".

Tổng Bí thư tin tưởng công tác Hội và phong trào nông dân sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn tất cả vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Phương Thúy và nhóm PV, BTV