Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số 2019 của Tổng cục thống kê cho hay, trên phạm vi cả nước có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi (viết gọn là xã vùng DTTS), chiếm 49% tổng số xã của toàn quốc. Năm 2019, 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện. Trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 97,2%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2015.

Phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ ki-lô-mét được cứng hóa (trải nhựa hoặc bê tông) đạt 95,2%; gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa. 99,5% các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, tương đương với kết quả điều tra năm 2015.

Cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng DTTS, tương ứng tăng hơn 3,8 nghìn trường và giảm 2,3 nghìn điểm trường so với năm 2015. Các chương trình chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện rất hiệu quả song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn khá cao ở các hộ dân tộc vùng DTTS (35,5%), cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%). 

Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Tổng số hộ DTTS là 3,7 triệu hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước. Phần lớn các hộ DTTS sống ở khu vực nông thôn, chiếm 83,3%, tương đương với gần 3,1 triệu hộ.

{keywords}
Tổng cục thống kê sẽ sớm công bố các kết quả chuyên sâu về 53 dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Cũng theo kết quả điều tra 53 DTTS, tổng tỷ suất sinh (TFR) của người DTTS là 2,35 con/1 phụ nữ, giảm 0,03 con/1 phụ nữ so với năm 2015 nhưng vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/1 phụ nữ. Tỷ số giới tính khi sinh của các DTTS là 110,2 bé trai/100 bé gái, thấp hơn so với mức chung của toàn quốc (111,5 bé trai/100 bé gái); tuy vậy, vẫn đang cao hơn so với mức cân bằng sinh học (104-106 bé trai/100 bé gái). Tuổi thọ trung bình của 53 DTTS là 70,7 tuổi, thấp hơn mức chung của cả nước (73,6 tuổi).

Tình hình giáo dục của trẻ em DTTS cũng đạt được những thành tựu nhất định. Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học giảm gần 2 lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết chữ phổ thông là 80,9%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động là 83,3%. Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên vẫn còn thấp, chỉ chiếm 10,3%; thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với mức chung của cả nước.

Về điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần của hộ DTTS, phần lớn các hộ DTTS đều sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ trọng 79,2%, thấp hơn 13,9 điểm phần trăm so với mức bình quân chung của cả nước. Cả nước vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 16,9m2/người, thấp hơn 6,3m2/người so với mức bình quân chung của cả nước. 96,7% hộ DTTS sử dụng điện lưới thắp sáng, tăng 2,8 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ DTTS được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 là 19,7%.

Được biết, với kết quả trên, Tổng cục Thống kê đang tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc khai thác số liệu để phân tích và công bố các kết quả chuyên sâu hơn về 53 DTTS trong thời gian tới.

Hồng Nhì, Lê Hiền