Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bất ngờ tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp vào đêm 3/12 khi cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước, và âm mưu nổi loạn”.
Tuy nhiên, sau khoảng 6 tiếng, ông Yoon đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật theo yêu cầu của Quốc hội, nơi đảng Dân chủ đối lập đang nắm đa số ghế. Trong số những người ngả về phe đối lập có cả các nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của Tổng thống.
Những diễn biến căng thẳng chính trị ở Hàn Quốc đặt ra câu hỏi về tương lai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Yoon, cùng sự cai trị của đảng PPP, và những gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới và là đồng minh lớn của Mỹ.
Bế tắc chính trị
Hàn Quốc rơi vào bế tắc chính trị trong nhiều tháng qua, khi đảng PPP cầm quyền của ông Yoon chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 với việc đảng đối lập chính giành được 175/300 ghế.
Cuộc bầu cử Quốc hội được xem là cuộc trưng cầu dân ý về ông Yoon, giữa lúc uy tín của ông giảm mạnh do một số vụ bê bối và tranh cãi kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2022.
Thậm chí, nội bộ đảng PPP cũng rạn nứt, với việc cựu đồng minh thân cận của ông Yoon là ông Han Dong Hoon đã công khai kêu gọi ông rút lại lệnh thiết quân luật.
Trên thực tế, ông Yoon đã xung đột với phe đối lập về nhiều chính sách, ngăn cản ông thực hiện các lời hứa trong chiến dịch tranh cử là cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định kinh doanh.
Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Yoon cũng ngày càng tỏ ra thất vọng trước những nỗ lực của phe đối lập nhằm luận tội các nhân vật chính phủ bao gồm một số người mà ông bổ nhiệm như chủ tịch của cơ quan giám sát phát thanh truyền hình, chủ tịch cơ quan kiểm toán nhà nước, và một số công tố viên hàng đầu.
Các công tố viên được xem là điểm nhạy cảm đối với ông Yoon. Bởi các nhà lập pháp đối lập cho rằng, các công tố viên đã không truy tố được đệ nhất phu nhân, người đã vướng vào bê bối và cáo buộc thao túng cổ phiếu.
Theo CNN, sự phẫn nộ, sốc, và bối rối đã lan rộng khắp Hàn Quốc và cả thế giới, ngay sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật. Trong đêm 3/12, người dân thủ đô Seoul vội vã trở về với gia đình, trong khi những người khác tập trung trước tòa nhà Quốc hội. Thậm chí, nhiều người biểu tình mang theo biểu ngữ và cờ kêu gọi luận tội Tổng thống.
Một số thành viên Quốc hội dường như đã đụng độ với lực lượng thực thi pháp luật bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy, quân đội cố gắng tiến vào hội trường chính, mặc dù họ bắt đầu rút lui vài giờ sau khi các nhà lập pháp chặn sắc lệnh của ông Yoon.
Tác động tới Mỹ
Mỹ đã lên tiếng "quan ngại sâu sắc" sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật, và bày tỏ sự nhẹ nhõm sau khi ông dỡ bỏ sắc lệnh. Washington cũng nhấn mạnh, dân chủ là cốt lõi của liên minh Mỹ - Hàn Quốc.
Hai nước đã ký kết một hiệp ước phòng thủ chung kéo dài hàng thập kỷ, điều này có nghĩa là hai bên phải hỗ trợ nhau nếu bị tấn công. Ngoài ra, các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ đang nằm rải rác khắp Hàn Quốc, và có gần 30.000 quân Mỹ đồn trú tại quốc gia này.
Trại Humphreys tại Hàn Quốc là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Cơ sở này có hơn 41.000 quân nhân Mỹ, cùng nhân viên dân sự, nhà thầu, và thành viên gia đình.
Bên cạnh Nhật Bản và Philippines, những quốc gia cũng có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, Hàn Quốc là một phần của bộ ba đối tác khu vực đã giúp củng cố sức mạnh của Mỹ ở cả châu Á và Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ.
Nhiều người nhận định sự hiện diện quy mô lớn của quân đội Mỹ ở bán đảo Triều Tiên là rất quan trọng đối với Hàn Quốc để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào từ phía Triều Tiên.
Thách thức với ông Yoon
Theo văn phòng tổng thống, Chánh văn phòng của ông Yoon và hơn 10 thư ký cấp cao đã nộp đơn từ chức.
Đảng đối lập chính cho biết họ sẽ bắt đầu thủ tục luận tội nếu ông Yoon không từ chức ngay lập tức, và gọi hành động của ông là vi hiến.
Thậm chí, người đứng đầu chính đảng của ông Yoon cũng kêu gọi cách chức Bộ trưởng Quốc phòng vì đã đề xuất thiết quân luật.
Đến sáng 4/12, vẫn còn rất đông cảnh sát tại tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc. Ông Yoon cũng đã hoãn cuộc họp công khai đầu tiên theo lịch trình vào sáng 4/12. Đây không phải là lần đầu tiên ông phải đối mặt với những lời kêu gọi luận tội. Hàn Quốc cũng đã chứng kiến các cuộc biểu tình thường xuyên kêu gọi ông Yoon từ chức, và một bản kiến nghị đã nhận được hàng trăm nghìn chữ ký.
Trên thực tế, bối cảnh chính trị tại Hàn Quốc từ lâu đã trở nên chia rẽ, các tổng thống ở cả hai phe phái chính trị thường phải đối mặt với các vụ truy tố khi còn tại nhiệm và khi đã mãn nhiệm.
Trong đó, thiết quân luật là điều chưa từng có trong kỷ nguyên dân chủ hiện đại. Lần gần nhất một tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật là vào năm 1980. Phải đến năm 1988, Hàn Quốc mới bầu ra một tổng thống thông qua các cuộc bầu cử tự do và trực tiếp.
Trong suốt phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đất nước này đã có một loạt nhà lãnh đạo độc tài và quân sự, những người đã ban bố thiết quân luật nhiều lần.