Tăng điểm tuần thứ 3, thanh khoản cải thiện mạnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp và thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, hơn hẳn so với tuần trước lễ, trung bình đạt hơn tỷ USD mỗi phiên.
Mặc dù điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần nhưng tính chung trong cả tuần 5-8/9, chỉ số VN-Index đã tăng 17,43 điểm (tương đương tăng 1,4%) so với tuần trước, lên 1.241,48 điểm, đưa chỉ số VN-Index từ vùng giá 1.150 điểm đi lên, với thanh khoản cải thiện mạnh, trung bình hơn 1 tỷ USD trên HOSE.
Trong tuần 5-8/9, có thời điểm chỉ số VN-Index đã lập đỉnh kể từ đầu năm 2023. Cụ thể, hôm 6/9, chỉ số VN-Index tăng 10,52 điểm (+0,85%) lên 1.245,5 điểm. Cổ phiếu tăng bùng nổ trong tuần và lên đỉnh mới trong bối cảnh tin tốt đến khá dồn dập.
Trong tuần 5-8/9, cổ phiếu nhiều nhóm ngành đã thay nhau tăng giá, từ nhóm bất động sản, chứng khoán, vật liệu xây dựng, vận tải, hóa chất, dầu khí, xuất khẩu và vào cuối tuần là nhóm cổ phiếu phân bón… với kỳ vọng vào câu chuyện hồi phục cuối năm nay.
Hôm 6/9, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng đồng loạt tăng bứt phá với các mã như: Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG), NKG, VGS, POM… Cổ phiếu HSG, Thép Nam Kim (NKG), ống thép Việt Đức (VGS) tăng kịch trần trong bối cảnh đầu tư công tăng mạnh, một loạt công trình lớn được khởi công như Sân bay Long Thành, giá thép thế giới trên đà hồi phục…
Riêng cổ phiếu Hòa Phát vọt lên đỉnh 16 tháng với thanh khoản tăng vọt. Kể từ đáy hồi tháng 10/2022, các cổ phiếu thép đều đã tăng bằng lần, với HSG tăng 2,7 lần, NKG tăng 2,6 lần… và đều trên đỉnh cao nhất trong hơn 1 năm.
Trong vài tháng qua, nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều mã được quan tâm như Novaland (NVL), DIC Corp. (DIG), CEO, Phát Đạt (PDR)… đã tăng hàng chục phần trăm, thậm chí tăng vài lần như trường hợp DIG (tăng 3 lần), NVL (tăng gấp đôi)...
Trong tuần 5-8/9, chỉ số HNX-Index tăng 2,6% lên mức 256,2 điểm và chỉ số Upcom-Index tăng 1,5% lên mức 94,7 điểm.
Tín hiệu tích cực từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đón nhận khá nhiều thông tin mang tính kỳ vọng cho trung và dài hạn.
Thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam vào ngày 10-11/9 này thắp lên kỳ vọng về quan hệ kinh tế, đặc biệt là thương mại giữa 2 bên sẽ tăng trưởng bùng nổ trong thời gian tới, có thể hơn so với sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện 10 năm trước đây (năm 2013).
Trước đó, Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới trong quan hệ với Singapore và Úc.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, nhờ chuỗi tăng điểm tích cực trước và sau nghỉ lễ, chỉ số VN-Index đang tiếng vào vùng đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm. Trong tuần mới, thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Đinh Quang Hinh cho biết, một thống kê khá thú vị là trong những lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây thì thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực.
“Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm.
Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, sẽ có nhiều doanh nghiệp của Mỹ tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart,…Những thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng”, ông Hinh nhận định.
Bên cạnh đó, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi một môi trường có cung tiền giá rẻ thông qua nỗ lực thúc đẩy đầu tư công và các chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Với lượng tiền bơm ra, nhiều công ty chứng khoán dự báo các ngành như tiêu dùng, bán lẻ, xuất khẩu, sản xuất, bất động sản… đều sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường vẫn đang chịu áp lực liên quan tới vấn đề tỷ giá. Trong bối cảnh tỷ giá tăng, áp lực lạm phát quay trở lại trong những tháng cuối năm thì dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể.
Bên cạnh đó, chỉ số giá/thu nhập (P/E) của chỉ số VN-Index hiện đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm. Chỉ số này sẽ được cải thiện nếu các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tốt hơn trong quý III.