Theo hãng tin Reuters và Itar-Tass, Tổng thống Putin thông qua học thuyết mới mang tên "Khái niệm về chính sách nhân đạo của Liên bang Nga ở nước ngoài", nhằm xác định mục tiêu, phương hướng chính cho chính sách nhân đạo của Nga tại nước ngoài.
Trong số các nguyên lý của học thuyết có phần củng cố nhận thức toàn cầu về Nga, quảng bá văn hóa và các giá trị truyền thống Nga, củng cố quan hệ với các nước, gồm các quốc gia Slavic, Ấn Độ và Trung Quốc, tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi.
Theo phân tích của Reuters, dù được trình bày như một chiến lược mềm nhưng học thuyết chứa đựng những ý tưởng chính sách chính thức xung quanh tôn giáo và chính trị Nga, các yếu tố mà một số nhân vật cứng rắn sử dụng để giải thích cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và ủng hộ một số lực lượng thân Nga ở phía đông Ukraine.
Học thuyết viết: "Liên bang Nga hỗ trợ đồng bào sống tại nước ngoài trong việc thực hiện các quyền của họ, đảm bảo bảo vệ lợi ích của họ và bảo tồn bản sắc văn hóa Nga". Và rằng bằng cách hỗ trợ người Nga ở nước ngoài, Nga củng cố hình ảnh của mình trên trường quốc tế như một quốc gia dân chủ nỗ lực tạo ra một thế giới đa cực và bảo tồn sự đa dạng về văn hóa và văn minh.
Trong nhiều năm qua, Tổng thống Putin đã nêu bật số phận của khoảng 25 triệu người Nga đang sống ở bên ngoài nước Nga, tại các quốc gia mới độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.