“Ông Bazoum không ký bất cứ ý định gì về việc từ chức. Ông ấy thà chết chứ không từ chức”, ông Al-Hassan trả lời báo giới khi được hỏi liệu Tổng thống Niger bị lật đổ có ký đơn từ chức hay không.

Trước đó, sau khi tiến hành đảo chính, một nhóm tướng lĩnh quân đội Niger hôm 26/7 đã lên sóng truyền hình tuyên bố bãi nhiệm Tổng thống Mohamed Bazoum, đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh giới nghiêm, đình chỉ Hiến pháp và cấm các đảng phái chính trị hoạt động.

Quân đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ Niger, do Tướng Abdurahmane Tchiani đứng đầu để điều hành đất nước kể từ ngày 28/7.

Theo các chính trị gia Niger, Tổng thống Bazoum hiện trong “tình trạng sức khỏe tốt”. Ông có thể điện đàm với lãnh đạo và đại diện các chính phủ nước ngoài, nhưng không được phép rời khỏi nơi cư trú.

Tổng thống bị lật đổ của Niger, Mohamed Bazoum. Ảnh: AP

EU chuẩn bị áp lệnh trừng phạt quân nổi dậy Niger

Reuters dẫn các nguồn tin ở châu Âu cho hay, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu chuẩn bị cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với quân nổi dậy thực hiện cuộc đảo chính ở Niger.

“Bước tiếp theo sẽ là các biện pháp trừng phạt đối với từng thành viên của chính quyền quân sự Niger”, hãng tin Reuters dẫn lời của một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói.

Theo Reuters, cuộc thảo luận về việc áp lệnh trừng phạt với quân nổi dậy Niger đã bắt đầu vào thứ 4 (9/8), EU đang thảo luận về “tiêu chí” cho các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đưa ra các hạn chế do “phá hoại nền dân chủ”. Các lệnh trừng phạt sẽ được thống nhất trong thời gian tới.

>> Đọc tin quốc tế mới nhất trên báo VietNamNet