Trong thông báo được đưa ra hôm nay (23/4), Liên Hợp Quốc cho biết, Tổng thư ký Guterres sẽ gặp Tổng thống Zelensky và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vào ngày 28/4, 2 ngày sau chuyến thăm Nga.
Điện Kremlin cùng ngày cũng xác nhận ông Guterres sẽ tới Moscow để hội kiến Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hôm 19/4 đã gửi thư đến các phái bộ thường trực của Nga và Ukraine, đề nghị gặp riêng hai ông Putin và Zelensky để thảo luận về giải pháp hòa bình cho hai nước.
Ông Guterres cũng kêu gọi ngừng bắn trong 4 ngày lễ Phục sinh ở Ukraine (bắt đầu từ 21/4), để sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột và cung cấp viện trợ nhân đạo cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi giao tranh.
Nga tố Ukraine không muốn đàm phán hòa bình
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Moscow chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Ukraine về các đề xuất hòa bình gần đây, đồng thời cáo buộc Kiev không muốn đàm phán.
"Ukraine đang tạo ấn tượng rằng họ không quan tâm tới giải pháp ngoại giao cho xung đột quân sự đang diễn ra", Ngoại trưởng Lavrov nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi tại Moscow hôm 22/4.
Bình luận của ông Lavrov được đưa ra vài ngày sau khi Nga cho biết đã chuyển cho Ukraine tài liệu về dự thảo thỏa thuận hòa bình với những điều khoản cụ thể. Kiev xác nhận đã nhận được tài liệu và đang xem xét, song Tổng thống Volodymyr Zelensky lại tuyên bố chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ Moscow.
Ngoại trưởng Nga cũng bày tỏ hoài nghi về lập trường của Ukraine đối với các cuộc đàm phán. Ông nói rằng "rất lạ" khi nghe những phát biểu từ các trợ lý của Tổng thống Zelensky "cho thấy họ không cần những cuộc đàm phán này".
Moldova triệu tập đại sứ Nga sau tuyên bố 'thông đường đến vùng ly khai'
Moldova hôm 22/4 đã triệu tập đại sứ Nga để phản ứng trước phát ngôn của một quan chức của Moscow rằng, việc kiểm soát miền nam Ukraine sẽ giúp Nga tiếp cận với vùng ly khai Transnistria ở Moldova.
"Bộ Ngoại giao Moldova xem những tuyên bố này là vô căn cứ và mâu thuẫn với quan điểm của Nga về việc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi trong giới hạn biên giới được quốc tế công nhận", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Moldova cho biết, đồng thời nêu rõ nước này “là một quốc gia trung lập và nguyên tắc này phải được tôn trọng bởi tất cả thành viên quốc tế, bao gồm cả Liên bang Nga".
Động thái trên được đưa ra không lâu sau khi Tướng Rustam Minnekayev, Phó Chỉ huy Quân khu trung tâm của Nga, tuyên bố việc Moscow tìm cách “kiểm soát khu vực miền nam Ukraine” có thể giúp nước này tiếp cận được khu vực ly khai Transnistria của Moldova. Ông Minnekayev cũng cho rằng, có bằng chứng về việc cộng đồng người nói tiếng Nga ở khu vực này đang bị “áp bức”.
Văn phòng chính sách tái hòa nhập của Moldova cho biết, phát biểu của ông Minnekayev "dẫn tới sự gia tăng căng thẳng và ngờ vực", đồng thời khẳng định các quyền của tất cả người dân ở Moldova đều được tôn trọng, bất kể nguồn gốc của họ.
Nhiều nước phương Tây ồ ạt cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Trả lời phỏng vấn báo Ouest-France hôm 22/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ nước này "đang cung cấp các khí tài quan trọng, từ tên lửa chống tăng MILAN cho tới pháo tự hành CAESAR" cho Ukraine.
Ông Macron cho biết, khoảng 40 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện để vận hành vũ khí mới tại Pháp từ ngày 23/4. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sau đó cũng xác nhận, Paris sẽ chuyển "một số khẩu đội pháo CAESAR và hàng nghìn quả đạn" cho Kiev. Điện Elysee từ chối công bố số vũ khí cụ thể sẽ chuyển cho Ukraine vì không muốn làm lộ thông tin, song cho biết đã bàn giao tên lửa chống tăng MILAN, còn pháo sẽ được chuyển trong những ngày tới.
Ngoài Pháp, nhiều nước phương Tây gần đây cũng tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/4 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Kiev, trong đó sẽ cung cấp hàng chục khẩu đội pháo, 144.000 viên đạn và hàng chục thiết bị bay không người lái chiến thuật "Bóng ma Phượng hoàng". Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/4 thì cho biết, nước này có thể cấp một số lượng xe tăng đời mới cho Ba Lan, để Warsaw có thể chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 cho Ukraine.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Đức lại lo ngại động thái chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể làm leo thang căng thẳng với Nga.
Việt Anh