Như ICTnews đã thông tin, trong những ngày đầu năm mới 2021, IA và APG - hai trong năm tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, đã gặp sự cố.
Trong đó, tuyến cáp IA gặp sự cố vào 12h52 ngày 1/1/2021. Nguyên nhân là do lỗi cáp trên phân đoạn 1, cách trạm cập bờ tại Singapore của tuyến cáp khoảng 49km. Sự cố gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng kết nối hướng Singapore. Còn với APG, vào 6h45 ngày 9/1/2021, tuyến cáp biển này gặp sự cố trên nhánh S3, làm gián đoạn thông tin trên hướng kết nối đi Hong Kong, Nhật Bản.
Ông Vũ Thế Bình, CEO NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam. |
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của sự cố cáp quang biển lần này, ICTnews đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Vũ Thế Bình, CEO Công ty NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA):
Ở vai trò là Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của lần 2 tuyến cáp IA và APG cùng đang gặp sự cố lần này?
Đã từng có vài lần nhiều hơn một tuyến cáp biển bị sự cố. Trong tình huống đó, đương nhiên người dùng Internet sẽ thấy ảnh hưởng, đặc biệt khi sử dụng các dịch vụ cần nhiều băng thông như video, online TV mà nguồn nội dung ở nước ngoài. Nhóm người dùng cảm nhận được rõ nhất sự ảnh hưởng chính là người dùng cá nhân và hộ gia đình, bởi đây là nhóm sử dụng các dịch vụ giải trí cần nhiều băng thông.
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ cần một vài ngày để bù dung lượng bị ảnh hưởng, để chất lượng trở về trạng thái chấp nhận được. Một số hướng cụ thể có thể vẫn chưa đạt được chất lượng bình thường, có tính chất cục bộ.
Theo Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình, nhóm người dùng cảm nhận được rõ nhất sự ảnh hưởng của sự cố cáp biển là người dùng cá nhân và hộ gia đình, bởi đây là nhóm sử dụng các dịch vụ giải trí cần nhiều băng thông (Ảnh minh họa). |
Có ý kiến nhận xét trong những lần cáp biển gặp sự cố gần đây, việc sử dụng các dịch vụ của Google, Facebook vẫn bình thường. Điều này phải chăng là do các công ty xuyên biên giới này đã đặt nhiều máy chủ tại Việt Nam?
Tôi cho rằng khi xảy ra sự cố với các tuyến cáp biển, ít nhiều dịch vụ của các công ty xuyên biên giới như Facebook, Google vẫn bị ảnh hưởng, dù các nền tảng nước ngoài đang sử dụng các giải pháp caching hay CDN cho người dùng Việt Nam. Lý do là vì không phải mọi nội dung đều đã được có sẵn ở Việt Nam.
Nhìn chung, với việc triển khai các giải pháp caching và CDN, chất lượng dịch vụ dành cho người dùng Việt Nam của các nền tảng lớn như Google, Facebook sẽ được duy trì ổn định hơn, tốt hơn. Nếu toàn bộ lưu lượng chỉ chạy trực tiếp qua các kênh cáp biển, thì người dùng sẽ cảm nhận được ngay sự sụt giảm chất lượng.
VNNIC trong năm 2020 đã hoàn thành phương án đảm bảo hoạt động liên tục của Internet Việt Nam trong tình huống mất kết nối với quốc tế. Ông có bình luận gì về việc này?
Chúng ta đều biết rằng, cần có DNS (hệ thống máy chủ tên miền – PV) để “dịch” URL sang địa chỉ IP, để người dùng truy cập vào các nội dung trên Internet, nơi các máy chủ được định danh bằng địa chỉ IP.
Hệ thống DNS có sự liên kết với các máy chủ DNS gốc đặt ở nhiều nơi trên thế giới, do đặc tính kỹ thuật của Internet. Do đó, thông thường khi mất toàn bộ các kết nối quốc tế, hệ thống DNS sẽ ảnh hưởng, dẫn đến ngay cả truy nhập Internet trong nước cũng có thể không được như bình thường.
Việc VNNIC đảm bảo hệ thống DNS Việt Nam được hoạt động liên tục, ngay cả khi mất kết nối với Internet quốc tế, là điểm tốt cho việc truy cập các nội dung đặt trong nước.
Trở lại với việc 2 tuyến cáp biển IA, APG đang gặp sự cố. Xin ông cho biết để ứng phó với tình huống này, các nhà mạng Việt Nam trong đó có NetNam đã làm những gì?
Các nhà mạng Việt Nam nhìn chung đã quen với việc ứng phó với các sự cố cáp biển. Họ sẽ bổ sung dung lượng thiếu hụt qua các kênh cáp biển khác như AAG và qua các tuyến cáp đất liền ở phía Bắc và phía Tây Nam.
Với riêng NetNam, chúng tôi cũng thực hiện giống như các nhà mạng khác là mở lưu lượng bù qua các kênh khác, với các kịch bản đã được chuẩn bị sẵn.
Chất lượng dịch vụ về cơ bản không ảnh hưởng nhiều, một phần do NetNam chỉ có các nhóm khách hàng tổ chức - doanh nghiệp, nơi có nhu cầu băng thông không lớn, nhưng cần chất lượng ổn định. Tất nhiên một số đích có thể ảnh hưởng có tính chất cục bộ, khi đó các kỹ sư NetNam sẽ phải thực hiện các kỹ thuật tối ưu qua các tuyến cáp khác.
Hiện vẫn chưa có lịch sửa chữa 2 tuyến cáp biển. Song từ kinh nghiệm của nhiều lần cáp biển gặp sự cố trước đây, dự kiến khi nào sự cố lần này sẽ được khắc phục xong, thưa ông?
Nếu sự cố liên quan đến đứt cáp dưới đáy biển, thông thường sẽ cần từ 2 - 4 tuần để khắc phục. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào tình hình thời tiết ở khu vực cáp gặp sự cố.
Xin cảm ơn ông!
Vân Anh (Thực hiện)
Cáp IA, APG gặp sự cố: Các nhà mạng làm gì để đảm bảo kết nối Internet quốc tế?
Viettel, VNPT và FPT là những nhà mạng đang sử dụng nhiều dung lượng trên 2 tuyến cáp biển IA, APG hơn cả. Để hạn chế ảnh hưởng từ sự cố trên 2 tuyến cáp biển này, các nhà mạng đều đã triển khai phương án chuyển hướng lưu lượng.